|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Dự báo lãi sau thuế Vĩnh Hoàn năm 2021 giảm 10% do giá thức ăn tăng cao

07:43 | 24/03/2021
Chia sẻ
Theo phân tích mới nhất từ VDSC, năm 2021 Vĩnh Hoàn có thể ghi nhận mức tăng doanh thu 28% so với 2020, song lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 10% do giá thức ăn tăng cao.

CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ra báo cáo về triển vọng kinh doanh năm 2021 của CTCP Vĩnh Hoàn (mã: VHC) với dự báo lợi nhuận khó có thể hồi phục dưới các áp lực ở mảng cá tra và chiến lược mở rộng danh mục sản phẩm.

Trước đó, năm 2020, Vĩnh Hoàn đã có một năm khó khăn khi giá bán cá tra giảm sâu vì dịch bệnh. Kết thúc năm 2020, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu 7.165 tỷ đồng, giảm 11% so với 2019. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 19,5% năm 2019 về 14,5% chủ yếu do giá bán cá tra giảm.

Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 705 tỷ đồng, giảm đến 40% so với năm liền trước. Nếu loại trừ ảnh hưởng của các hoạt động không cốt lõi (lãi 121 tỷ đồng từ thoái vốn khỏi Vạn Đức Tiền Giang trong tháng 6/2019 và lãi từ kinh doanh cổ phiếu 63 tỷ đồng trong tháng 2/2020), lợi nhuận sau thuế của Vĩnh Hoàn giảm 38%.

VDSC nhận định, năm 2021, xuất khẩu phục hồi song giá thức ăn cao sẽ làm suy giảm biên lợi nhuận của Vĩnh Hoàn. Ngoài ra, áp lực mở rộng sang nhóm hàng tiêu dùng nhanh và phát triển thị trường nội địa cho cá tra cũng sẽ khiến lợi nhuận của doanh nghiệp chưa thể phục hồi.

Chuyên viên phân tích từ VDSC dự báo năm 2021, Vĩnh Hoàn có thể đạt 9.014 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 28% so với thực hiện 2020. Song lợi nhuận sau thuế dự báo giảm 10% xuống 634 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tiếp tục giảm từ 14,2% về 11,7% trong năm 2021.

Giá nguyên liệu cao làm suy giảm biên lợi nhuận

Theo đánh giá từ VDSC, tiêm chủng vắc xin COVID-19 được triển khai trên toàn cầu sẽ là cú hích cho xuất khẩu cá tra, trong đó Mỹ sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Vĩnh Hoàn.

Đáng chú ý, từ năm 2021, Vĩnh Hoàn sẽ đẩy mạnh bán các mặt hàng cá tra giá trị gia tăng tại thị trường nội địa với thương hiệu "Basa Master", nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu vốn nhiều rủi ro.

Dự báo lãi sau thuế Vĩnh Hoàn năm 2021 giảm 10% do giá thức ăn tăng cao - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh lũy kế hai tháng đầu năm 2021 của Vĩnh Hoàn so với cùng kỳ. (Nguồn: Vĩnh Hoàn, Việt hoá: M.H).

Danh mục sản phẩm 15 mặt hàng giá trị gia tăng sẽ được phân phối vào các hệ thống siêu thị trong nước (Mega Market, Saigon Coop, Aeon…). Tuy nhiên, thị trường nội địa có hiệu quả thấp hơn so với xuất khẩu. Theo công ty, biên lợi nhuận gộp của cá tra giá trị gia tăng thường đạt 22-25% nhưng sẽ giảm xuống mức 20% nếu công ty phát triển thêm thị trường nội địa.

Công ty chứng khoán dự báo, tổng sản lượng cá tra của Vĩnh Hoàn có thể tăng 23% so với năm trước. Tuy nhiên, nhiều khả năng giá bán chỉ nhích nhẹ 3% do đẩy mạnh bán hàng nội địa, các nhà nhập khẩu vẫn đặt hàng thận trọng và kỳ vọng xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ phục hồi sớm nhất từ đầu quý III/2021.

Đáng nói, mặc dù hai tháng đầu năm nay, mảng doanh thu cá tra của Vĩnh Hoàn tăng 1,3% so với cùng kỳ, song giá xuất khẩu lại thấp hơn cùng kỳ 4%. Điều này được giải thích là do giá bán rất thấp tại thị trường Trung Quốc, mặc dù giá bán đã phục hồi tốt tại thị trường Mỹ và châu Âu.

Do đó, VDSC nhận định, giá cá nguyên liệu có thể có thể phục hồi nhanh hơn giá bán do tình trạng thiếu nguồn cung và giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh.

Giá đậu nành, một thành phần chính trong thức ăn cho cá, trong tháng 2/2021 đã tăng 64% so với tháng 8/2020. Theo dữ liệu từ Agromonitor, giá thức ăn nuôi cá cuối tháng 2/2021 đã tăng 12% so với cuối tháng 5/2020.

Áp lực từ việc mở rộng danh mục sản phẩm

Theo chia sẻ từ Vĩnh Hoàn, các hoạt động triển khai chiến lược mới về khai thác mảng hàng tiêu dùng nhanh có thể làm phát sinh một số chi phí trong năm 2021.

Trong đó, tổng đầu tư năm 2021 dự kiến là hơn 1.000 tỷ đồng, gồm 300 tỷ đồng cho các hoạt động cải tạo vùng nuôi và các nhà máy chế biến và hơn 700 tỷ đồng đầu tư vào các công ty con mới và hoạt động mua bán sáp nhập.

Tháng 1/2021, Vĩnh Hoàn đã nhận chuyển nhượng 49,89% cổ phần của CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang (mã: SGC) từ SCIC, với giá trị chuyển nhượng 370 tỷ đồng. Giá trị lợi thế thương mại không được tiết lộ.

Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của Vĩnh Hoàn tại SGC tăng lên 51,29% và công ty cho biết sẽ nâng mức sở hữu lên 70% trong năm nay. Tại thời điểm cuối năm 2020, tổng tài sản của SGC là 210 tỷ đồng và tổng nợ phải trả 91 tỷ đồng.

Theo đại diện của Vĩnh Hoàn, SGC chiếm 80% thị phần bánh phồng tôm trong nước, bánh phồng tôm chiếm 80% doanh thu và thị trường xuất khẩu chiếm 50% doanh số, chủ yếu vào EU. 

Bên cạnh việc đầu tư phát triển mảng sản phẩm từ gạo (bánh tráng, bún miến phở khô) có biên lợi nhuận tốt hơn bánh phồng tôm, Vĩnh Hoàn còn kỳ vọng vào khả năng tận dụng hệ thống bán lẻ của SGC để mở rộng bán hàng vào các hệ thống siêu thị trong và ngoài nước. Công suất các sản phẩm từ gạo đã tăng thêm 60 tấn/năm và sẽ cho sản phẩm từ tháng 4/2021.

Bên cạnh đó, Vĩnh Hoàn cũng thành lập công ty con Thành Ngọc với ngành nghề kinh doanh là nước ép trái cây và trái cây sấy, phân phối vào nhà hàng và siêu thị. Nếu hoạt động kinh doanh thuận lợi, công ty sẽ tự phát triển vùng nguyên liệu.

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn sở hữu cổ phần không chi phối tại công ty sản xuất protein nhân tạo Avant. Thành lập từ năm 2018, Avant tạo ra các sản phẩm đạm động vật bằng công nghệ nuôi cấy tế bào. Các sản phẩm nổi bật bao gồm phi-lê cá, bao tử cá và hải sâm. Vĩnh Hoàn sẽ hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm của Avant.

Thiên Trường