Dự báo giá heo hơi ngày 19/1: Miền Trung, Tây Nguyên và Nam sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới?
Giá heo hơi hôm nay tăng rải rác
Xem thêm: Dự báo giá heo hơi ngày 20/1
Thị trường heo hơi khu vực miền Bắc dao động trong khoảng 50.000 - 55.000 đồng/kg. Tất cả các địa phương đều không ghi nhận biến động mới so với hôm qua. Mức giá thấp nhất khu vực là 50.000 đồng/kg ghi nhận tại hai tỉnh thành gồm Lào Cai và Vĩnh Phúc. Cùng chững lại còn có Hưng Yên khi giao dịch tại mức 55.000 đồng/kg, cao nhất khu vực.
Giá heo hơi tại miền Trung, Tây Nguyên hôm nay đi ngang trên diện rộng. Theo đó, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế và Đắk Lắk tiếp tục neo tại mốc 52.000 đồng/kg. Riêng Quảng Bình và Ninh Thuận tăng 1.000 đồng/kg lên mức 51.000 đồng/kg, cùng giá với Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Định và Lâm Đồng.
Khu vực phía Nam tăng rải rác tại một số tỉnh thành trong hôm nay. Sau khi điều chỉnh tăng 1.000 đồng/kg, Tiền Giang giao dịch với giá là 50.000 đồng/kg. Thương lái hai tỉnh Cần Thơ và Tây Ninh thu mua heo hơi với giá 52.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg, cao nhất khu vực.
Trợ lực để người chăn nuôi ổn định sản xuất
Theo Bộ NN&PTNT, đàn gia súc ở nước ta phục hồi và phát triển mạnh trong năm 2021. Ðàn heo cả nước ước đạt khoảng 28 triệu con, tăng 7,1% so với năm trước. Sản lượng thịt hơi các loại ước khoảng 6,69 triệu tấn, tăng 3,2%, theo báo Cần Thơ.
Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi thuộc Bộ NN&PTNT, năm 2021 là năm hết sức khó khăn khi chúng ta vừa phải "chiến đấu" với dịch COVID-19 trên người, đồng thời phải kiểm soát tốt dịch bệnh trên động vật, đặc biệt là dịch tả heo châu Phi. Vì vậy, việc chăn nuôi an toàn sinh học rất là quan trọng.
Tính đến hết năm 2021, các chỉ tiêu của ngành chăn nuôi đều đạt và vượt rất cao. Trong đó, thịt heo ước đạt 4,18 triệu tấn, vượt khoảng 20% so với kế hoạch đề ra. Các số liệu cho thấy sự tăng trưởng rất tốt, các sản phẩm chăn nuôi thịt phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán 2022 tới đây đều tăng.
Các địa phương cần phối hợp cùng với các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan để tăng cường công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu để thúc đẩy thu mua, chế biến, lưu thông, tiêu thụ kịp thời sản phẩm chăn nuôi cho bà con.
Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện năng lực của ngành chăn nuôi nước ta đã được tăng cường và sức sản xuất đang rất lớn. Trong khi dịch COVID-19 đã và đang tiếp tục có những tác động xấu đến việc tiêu thụ sản phẩm, nhất là tiêu thụ thông qua khách du lịch trong và ngoài nước, các bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn. do vậy cần có những tính toán để giải quyết đầu ra cho sản phẩm ngành chăn nuôi.