|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dự báo giá heo hơi ngày 17/11: Xu hướng giảm tiếp tục duy trì?

18:30 | 16/11/2022
Chia sẻ
Giá heo hơi hôm nay (16/11) giảm cao nhất 3.000 đồng/kg. Những năm qua, người chăn nuôi tại Quảng Trị gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh. Việc nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học trở nên cấp thiết.

Giá heo hơi hôm nay giảm 1.000 - 3.000 đồng/kg

Tại miền Bắc, giá heo hơi hôm nay giảm từ 1.000 đồng/kg đến 3.000 đồng/kg. Cụ thể, thương lái tại Yên Bái, Lào Cai, Hà Nam và Hưng Yên đang giao dịch heo hơi với giá 54.000 đồng/kg, giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg. Mức giá 55.000 đồng/kg được ghi nhận tại các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và Tuyên Quang sau khi giảm nhẹ một giá. Tỉnh Thái Bình có giá thu mua neo tại ngưỡng 56.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg. Trong khi đó, heo hơi tại Phú Thọ và Hà Nội đang được giao dịch với giá thấp nhất khu vực là 53.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg. 

Khu vực miền Trung, Tây Nguyên chứng kiến giá heo hơi giảm cao nhất 3.000 đồng/kg. Theo đó, giá heo hơi tại ba tỉnh Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế và Quảng Bình hiện đang ở cùng mức 55.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg. Sau khi giảm lần lượt 1.000 đồng/kg và 2.000 đồng/kg, heo hơi tại Đắk Lắk và Thanh Hóa đang được thu mua với cùng mức giá 53.000 đồng/kg. Mức giao dịch thấp nhất được ghi nhận tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sau khi giảm 3.000 đồng/kg là 52.000 đồng/kg. 

Giá heo hơi miền Nam không ghi nhận quá nhiều biến động mới. Hiện tại, thương lái tỉnh Kiên Giang tiếp tục thu mua heo hơi với giá thấp nhất khu vực là 51.000 đồng/kg. Trong khi đó, heo hơi tại Long An và An Giang đang được giao dịch với giá cao nhất khu vực là 55.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg - ngang bằng với tỉnh Cà Mau. 

Một số chuyên gia cho rằng giá heo hơi có thể giảm thêm vào ngày mai do xu hướng chung chưa có dấu hiệu tăng trở lại.

 Ảnh minh họa: Thanh Hạ.

‏‏‏Chăn nuôi an toàn sinh học: Một mũi tên trúng nhiều đích

Ông Nguyễn Trung Hậu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) tỉnh Quảng Trị cho hay, tình trạng dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp khiến việc xây dựng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học trở thành giải pháp quan trọng đối với ngành chăn nuôi.

Đây là mô hình mang lại “lợi ích kép”, vừa tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ đàn vật nuôi, vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Mô hình chăn nuôi an toàn sinh học là tất yếu, nhất là trong bối cảnh chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ đang chiếm tỷ lệ lớn như tại tỉnh Quảng Trị, báo Nông Nghiệp Việt Nam đưa tin. 

Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ chăn nuôi an toàn sinh học trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn còn rất hạn chế. Trong khi các trang trại lớn chủ yếu chăn nuôi công nghiệp, công nghệ cao, tổng đàn lớn thì phương pháp xử lý chất thải chủ yếu là bằng bioga.

Còn người dân vẫn rất ngại khi phải tìm con giống được chứng nhận nguồn gốc, không sử dụng kháng sinh hay phải đầu tư vốn lớn cho đệm lót sinh học. Vì vậy, ngành chăn nuôi tỉnh Quảng Trị cũng chưa đặt ra mục tiêu cụ thể nào cho việc nâng cao tỷ lệ chăn nuôi an toàn sinh học.

“Thời gian tới, Chi cục CN&TY sẽ tiếp tục khuyến cáo người dân đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học. Mục tiêu của ngành chăn nuôi là xây dựng các mô hình điểm về chăn nuôi an toàn sinh học theo chuỗi từ chăn nuôi đến giết mổ, tiêu thụ sản phẩm an toàn, bền vững” – ông Hậu cho biết thêm.

Thanh Hạ