Dự báo giá heo hơi ngày 15/7: Đà giảm liệu có chững lại trong thời gian tới?
Giá heo hơi hôm nay giảm sâu, thấp nhất là 53.000 đồng/kg
Tại miền Bắc, giá heo hơi đồng loạt đi xuống trong hôm nay. Cụ thể, Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ và Hà Nam giảm lần lượt từ 1.000 đồng/kg đến 2.000 đồng/kg về khoảng 58.000 - 60.000 đồng/kg. Tương tự, Tuyên Quang và Hưng Yên giảm 3.000 đồng/kg xuống còn 57.000 - 58.000 đồng/kg. Sau khi giảm 4.000 đồng/kg, Hà Nội đang giao dịch ở mức thấp nhất khu vực là 56.000 đồng/kg. Hiện Vĩnh Phúc là địa phương điều chỉnh mạnh nhất, giảm 5.000 đồng/kg xuống còn 59.000 đồng/kg.
Thị trường heo hơi khu vực miền Trung, Tây Nguyên tiếp tục chuỗi ngày điều chỉnh giảm. Theo đó, các tỉnh Bình Định, Quảng Bình và Thừa Thiên Huế giảm 5.000 đồng/kg xuống khoảng 55.000 - 60.000 đồng/kg. Sau khi giảm 4.000 đồng/kg, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Quảng Ngãi hiện thu mua heo hơi chung mức 59.000 đồng/kg. Còn tại 5 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Thuận, Khánh Hòa và Ninh Thuận, giá heo hơi giảm 2.000 - 3.000 đồng/kg xuống lần lượt là 58.000 đồng/kg và 59.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại miền Nam ghi nhận giảm từ 1.000 đồng/kg đến 3.000 đồng/kg trong hôm nay. Trong đó, Đồng Nai và Đồng Tháp đang thu mua heo hơi lần lượt tại mức 53.000 đồng/kg và 58.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với hôm qua. Thương lái tỉnh Kiên Giang đang thu mua heo hơi ở mức 56.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg. Các tỉnh thành còn lại đang duy trì giá thu mua quanh ngưỡng trung bình là 58.000 đồng/kg.
Ngành Nông nghiệp Hà Nội tái cơ cấu hướng đến hiện đại
Quy hoạch vùng sản xuất tập trung theo thế mạnh vùng miền; xây dựng các chuỗi nông sản từ sản xuất đến tiêu thụ; phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao; sản xuất theo nhu cầu thị trường,… là những giải pháp mà ngành Nông nghiệp Hà Nội đã và đang tích cực triển khai.
Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết: Chăn nuôi gia súc của thành phố đang có sự chuyển dịch lớn. Từ việc đầu tư chăn nuôi khép kín, an toàn sinh học, sản lượng thịt heo bảo đảm cung ứng đủ cho thị trường. Đáng chú ý, từ việc tái cơ cấu nông nghiệp, thành phố đã có 50 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 78 hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết chuỗi.
Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển thông tin, từ việc tái cơ cấu, giá trị sản xuất nông nghiệp của Thanh Oai tăng mạnh. Hiện huyện đã hình thành vùng chăn nuôi xa khu dân cư 71,14ha, theo báo Hà Nội Mới.
Đánh giá về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường nhận định: Mức tăng trưởng 4,2% trong năm 2020 và 3,9% trong 6 tháng đầu năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp đã minh chứng cho thành công của việc tái cơ cấu nông nghiệp Thủ đô.