Dự báo giá heo hơi ngày 12/8: Đà tăng sẽ tiếp diễn tại ba miền?
Giá heo hơi hôm nay tăng rải rác
Xem thêm: Dự báo giá heo hơi ngày 13/8
Giá heo hơi tại miền Bắc không có nhiều biến động so với hôm qua. Yên Bái, Lào Cai, Nam Định, Ninh Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và Tuyên Quang vẫn tiếp tục neo trong khoảng 66.000 - 68.000 đồng/kg. Mức giá thấp nhất khu vực là 65.000 đồng/kg, có mặt tại tỉnh Hà Nam. Riêng Thái Bình và TP Hà Nội tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg, điều chỉnh lên chung mốc 70.000 đồng/kg.
Thị trường heo hơi khu vực miền Trung, Tây Nguyên đi ngang tại tất cả các tỉnh thành. Theo đó, một loạt các tỉnh thành đang thu mua trong khoảng 66.000 - 67.000 đồng/kg, gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định và Khánh Hòa. Bình Thuận và Đắk Lắk lần lượt thu mua heo hơi với giá 60.000 đồng/kg và 61.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực.
Tại miền Nam, một số địa phương điều chỉnh tăng từ 1.000 đồng/kg đến 2.000 đồng/kg trong hôm nay. Cần Thơ và Sóc Trăng tăng 2.000 đồng/kg lên mức 63.000 đồng/kg và 65.000 đồng/kg. Sau khi tăng 1.000 đồng/kg, Vũng Tàu đang giao dịch ở mức 62.000 đồng/kg. Còn ở Đồng Nai, Bình Phước, TP HCM và Bình Dương, giá heo hơi dao động trong khoảng 60.000 - 61.000 đồng/kg.
Xây dựng bản đồ dịch để tiêm vắc xin đón đầu ở các 'điểm nóng'
Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ở tỉnh Quảng Ngãi vẫn diễn biến rất phức tạp. Trong đó đặc biệt là dịch tả heo châu Phi (DTHCP), theo báo Nông nghiệp Việt Nam.
Theo đó, bệnh DTHCP cũng đã và đang xảy ra tại 25 cơ sở chăn nuôi nông hộ tại 19 thôn trên địa bàn 16 xã thuộc 6 huyện, thị xã và thành phố ở Quảng Ngãi với tổng số con mắc bệnh và chết 459 con.
Ông Ngô Hữu Hạ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi cho biết, mặc dù thời gian qua dịch bệnh xuất hiện, ảnh hưởng đến kinh tế của các hộ dân, cơ sở chăn nuôi nhưng so với các năm trước, tỷ lệ động vật mắc bệnh có giảm đi.
Đặc biệt, đến nay, dịch bệnh lở mồm long móng không xuất hiện trên địa bàn tỉnh. Theo ông Hạ, kết quả này nhờ việc nắm bắt được thực trạng chăn nuôi trên địa bàn; kinh nghiệm rút ra từ những năm trước cũng như việc chủ động được trong việc tiêm phòng vắc xin.
“Sau khi được cấp vắc xin, chúng tôi sẽ xin UBND tỉnh trích khoảng 30.000 liều trở lên để dự phòng. Đến trước hoặc sau Tết Nguyên đán chuyển về các "điểm nóng" về dịch bệnh, đặc biệt ưu tiên ở các xã giáp ranh với tỉnh khác để các địa phương chủ động tiêm phòng trước”, ông Hạ nói.