|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dự báo giá heo hơi ngày 1/2: Một vài tỉnh, thành sẽ tiếp tục tăng?

18:30 | 31/01/2023
Chia sẻ
Giá heo hơi hôm nay (31/1) điều chỉnh 1.000 đồng/kg ở phía Nam. Trong bối cảnh người chăn nuôi cả nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình đã chủ động triển khai các giải pháp để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi.

Giá heo hơi hôm nay tăng giảm trái chiều

Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc dao động trong khoảng 51.000 - 53.000 đồng/kg. Cụ thể, giá heo hơi cao nhất khu vực hiện đang được ghi nhận tại Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Nguyên và Thái Bình là 53.000 đồng/kg. 51.000 đồng/kg là mức giao dịch thấp nhất tiếp tục được ghi nhận tại hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai. Thương lái tại các địa phương còn lại vẫn thu mua heo hơi ở mức 52.000 đồng/kg.

Tại miền Trung, Tây Nguyên, giá heo hơi không ghi nhận biến động mới. Theo đó, thương lái tại tỉnh Đắk Lắk tiếp tục thu mua heo hơi với giá thấp nhất là 51.000 đồng/kg. Trong khi đó, 54.000 đồng/kg là ngưỡng giá thu mua được ghi nhận tại Lâm Đồng và Bình Thuận trong hôm nay. Các địa phương còn lại duy trì giao dịch trong khoảng 52.000 - 53.000 đồng/kg.

Thị trường heo hơi miền Nam hôm nay tăng giảm không đồng nhất 1.000 đồng/kg. Cụ thể, thương lái tại tỉnh Sóc Trăng hiện đang thu mua heo hơi với giá 52.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg. Ngược lại, heo hơi tại hai tỉnh Trà Vinh và Bến Tre đang được giao dịch ở cùng mức 52.000 đồng/kg sau khi nhích nhẹ 1.000 đồng/kg. 

Một số chuyên gia cho rằng giá heo hơi có thể tăng nhẹ vào ngày mai do thị trường đang ghi nhận một vài chuyển biến mới.

 Ảnh minh họa: Thanh Hạ.

Tỉnh Thái Bình: Thúc đẩy phát triển chăn nuôi

Nhìn lại năm 2022, chăn nuôi của tỉnh Thái Bình nói riêng, cả nước nói chung đối mặt với nhiều khó khăn: Giá đầu vào sản xuất tăng cao, từ tháng 11/2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng khoảng 17 lần, riêng năm 2022 tăng 7 lần và luôn giữ ở mức cao; trong khi giá bán sản phẩm chăn nuôi nhiều thời điểm thấp hơn giá sản xuất. 

Nhận diện những khó khăn đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã chủ động tham mưu các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về phòng, chống dịch bệnh và thúc đẩy phát triển sản xuất chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi heo, xây dựng vùng, xã chăn nuôi trọng điểm, chăn nuôi theo chuỗi giá trị, báo Thái Bình đưa tin.

Trong đó, đặt công tác phòng, chống dịch bệnh lên hàng đầu; công tác kiểm dịch động vật, quản lý vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật luôn được đẩy mạnh thực hiện; cùng với đó lấy mẫu giám sát, chẩn đoán dịch bệnh để chủ động đánh giá các nguy cơ dịch bệnh nhằm ứng phó kịp thời. Các định hướng, giải pháp phát triển chăn nuôi trong năm đã tập trung vào ba trọng tâm: quy vùng sản xuất hàng hóa, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ.

Đây không phải là giải pháp mới nhưng lần đầu tiên được đưa ra có tính hệ thống, cụ thể, thống nhất chỉ đạo thực hiện cho cả tỉnh. Thực tế sản xuất, có nhiều hộ, trang trại chăn nuôi xuất bán heo trọng lượng từ 1,5 - 1,7 tạ/con, các mô hình chăn nuôi gà thịt, vịt thịt cao sản được nhân rộng. 

Thanh Hạ