Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam: Bùng nhùng chuyện chuyển nhượng
Chưa xong chuyển nhượng
Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là Dự án vẫn chưa hoàn tất việc chuyển nhượng khi Tập đoàn Dầu khí Qatar (QP) quyết định rút lui khỏi Dự án vào giữa năm 2015.
Trước đó, QP - với đại diện tại Việt Nam là Công ty QPIV, đang nắm giữ 25% vốn trong Dự án này. Phần còn lại thuộc về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với 29%. Các đối tác Thái Lan gồm Tập đoàn Siam Cement Group (SCG) nắm 28% và TPC nắm 18%.
Phối cảnh Quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam.
Nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay, phần vốn góp của QP sẽ được chuyển nhượng cho phía đối tác Thái Lan là SCG. Trước đó, vào năm 2012, chính các đối tác Thái Lan đã chuyển nhượng 25% vốn cho phía QP.
QPIV vẫn đang tiếp tục thực hiện các bước chuyển nhượng theo quy định trong thoả thuận liên doanh. Về phía các đối tác trong Dự án là PVN và SCG, vẫn đang đàm phán, thống nhất các vấn đề liên quan đến bên góp vốn, các văn bản cần thiết để QPIV và SCG ký thoả thuận chuyển nhượng 25% phần vốn góp.
Thực tế này cũng cho thấy, Dự án Tổ hợp Hoá dầu miền Nam với giấy phép đầu tư ban đầu được cấp là 3,7 tỷ USD đã gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Được cấp phép đầu tư lần đầu năm 2008, Dự án đã được kỳ vọng sẽ có những bước tiến đột phá, nhất là khi có địa điểm được xem là đẹp nhất đối với ngành công nghiệp lọc hoá dầu của Việt Nam. Tuy nhiên, vào năm 2012, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) đã tuyên bố rút lui khỏi Dự án. 11% vốn góp ban đầu của Vinachem đã được nhượng lại cho PVN, giúp nâng tỷ lệ nắm giữ của PVN tại dự án này lên 29%.
Nguồn tin từ Vinachem cho hay, cho đến nay, đơn vị này vẫn chưa nhận được hết số tiền đã bỏ ra cho dự án này, dù thủ tục về giấy tờ đã xong. “Cơ hội nhận được nốt số tiền mà Vinachem đã bỏ ra tại dự án này là khi các bên còn lại tiến hành điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư, với việc tăng vốn đầu tư và đồng thời thay đổi các đối tác trong Dự án”, nguồn tin cho biết.
Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam được cấp giấy phép đầu tư lần đầu từ năm 2008 đã gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Dẫu chưa hoàn tất thủ tục chuyển nhượng giữa QPIV với SCG, nhưng Dự án cũng vẫn có những chuyển động nhất định.
PVN và Công ty TNHH Hoá dầu Long Sơn (LSP) - đơn vị triển khai Dự án, cũng đã lựa chọn phương án thu xếp phần vốn vay cho Dự án. Theo đó, phương án được ưu tiên là tín dụng xuất khẩu, bởi đây là hình thức tốt nhất cho các bên góp vốn và cho Dự án, bởi chi phí thấp. Được biết, SCG cũng có cam kết hỗ trợ vốn vay cho Dự án, thậm chí sẽ bảo lãnh phần vay vốn của PVN tại Dự án.
Ngoài ra, Dự án cũng đang tiến hành lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu chính. Mục tiêu được đề ra hiện nay là hoàn thiện các thủ tục, điều kiện cần thiết để chuẩn bị cho mốc quyết định đầu tư cuối cùng vào đầu năm 2017 này.
Đã có mặt bằng sạch
Cho đến nay, tổng số tiền mà LSP đã tạm ứng cho UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là 956 tỷ đồng và tỉnh đã hoàn thành việc di dời toàn bộ 390 hộ dân trên tổng diện tích 464 ha mặt bằng chính của Dự án.
Vào ngày 19/12/2016, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có Quyết định số 3597/QĐ-UBND phê duyệt đơn giá thuê đất để làm cơ sở ký hợp đồng thuê đất và quyền sử dụng đất. Theo đó, giá đất cao nhất để tính tiền thuê đất trả một lần là 1.831.200 đồng/m2 và thấp nhất là 480.000 đồng/m2. Đối với đất có mặt nước là 480.000 đồng/m2.
Trước đó, công tác bàn giao 464 ha mặt bằng, chuẩn bị hạ tầng được đánh giá là đã không đạt kế hoạch, việc bàn giao mặt bằng chậm khoảng 12 tháng so với mục tiêu được đặt ra.
Nguyên nhân được chỉ ra là do công tác đền bù, di dời dân phức tạp, phát sinh nhiều yếu tố ngoài dự kiến, dẫn đến việc tỉnh phải xin ý kiến, chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi thực hiện để đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.
Ngay trong việc chọn nhà thầu cho các gói thầu chính của Dự án cũng không đáp ứng được yêu cầu của LSP, dẫn tới việc Công ty phải đàm phán giảm giá gói thầu và rút ngắn tiến độ nhằm cải thiện Dự án đầu tư.
Tuy vậy, mục tiêu được PVN đặt ra trong năm 2017 là điều chỉnh Giấy phép kinh doanh, Giấy chứng nhận đầu tư của Dự án do thay đổi đối tác đầu tư, tổng mức đầu tư… cũng như hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu trong trường hợp các bên quyết định tiếp tục triển khai Dự án.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/