|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Bà Rịa - Vũng Tàu gỡ khó cho Tổ hợp Hóa dầu miền Nam và Khu du lịch Paradise

14:46 | 31/08/2021
Chia sẻ
Hiện dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam đang vướng mắc liên quan đến việc triển khai đầu tư. Còn Khu du lịch Vũng Tàu Paradise đang gặp khó khăn trong việc chấm dứt đầu tư.

UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đề xuất giải pháp để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho hai dự án là Tổ hợp hóa dầu miền Nam và Khu du lịch Vũng Tàu Paradise.

Trong đó, dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam đang gặp vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện đầu tư. Nguyên nhân do việc xác định các ưu đãi đầu tư liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu của dự án trước đây được Bộ Tài chính và Bộ Công thương xác định trên cơ sở giải trình và cam kết của chủ đầu tư và ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Do đó, UBND tỉnh đề nghị Bộ KHĐT chủ trì, làm việc với các bộ ngành, đơn vị liên quan để rà soát lại các quy định, hồ sơ các thỏa thuận, cam kết của nhà đầu tư để làm rõ căn cứ xác định các ưu đãi đầu tư trên, làm cơ sở làm việc với nhà đầu tư và báo cáo Thủ tướng phương án xử lý theo đúng quy định.

Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam có tổng diện tích 460 ha, nằm trong KCN Dầu khí Long Sơn (TP Vũng Tàu). Trong đó, 398 ha là đất xây dựng nhà máy (gồm 10 nhà máy, công suất chế biến 2,7 triệu tấn nguyên liệu/năm), 66 ha đất xây dựng cảng. Các sản phẩm của tổ hợp này là nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác như bao bì, tơ sợi, ô tô, điện tử.

Theo Báo Đầu tư, Tổ hợp Hóa dầu miền Nam được quyết định đầu tư vào năm 2008, nhưng sau đó đã liên tục được điều chỉnh, đổi chủ đầu tư.

Có nhiều doanh nghiệp đã từng đứng trong danh sách chủ đầu tư của dự án này như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Dầu khí Qatar, Vina SCG Chemicals Company Limited (VSCG), Thai Plastic And Chemicals Public Company Limited (TPC) của Thái Lan,…

Đến tháng 6/2018, Tổ hợp Hóa dầu miền Nam đã trở thành dự án 100% vốn đầu tư của doanh nghiệp Thái Lan, sau khi Tập đoàn SCG ký thỏa thuận mua lại 29% cổ phần của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam - PVN) trong Dự án, tăng vốn sở hữu của SCG từ 71% lên 100%. 

Năm 2018, dự án chính thức được khởi công xây dựng. Tổng vốn đầu tư hiện tại của dự án hơn 5,4 tỷ USD.

Bà Rịa - Vũng Tàu gỡ khó cho hai dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam và Khu du lịch Vũng Tàu Paradise - Ảnh 1.

Tổ hợp hóa dầu miền Nam. (Ảnh: Báo Đầu tư).

Đối với dự án Khu du lịch Vũng Tàu Paradise, UBND tỉnh cho biết, hiện dự án đang gặp vướng mắc liên quan đến việc chấm dứt đầu tư.

Theo đó, do dự án đã hết thời hạn hoạt động và thời hạn sử dụng đất nên UBND tỉnh đề nghị Bộ KHĐT xem xét, trình cấp thẩm quyền quyết định phương án xử lý, hỗ trợ tỉnh giải quyết số tiền thuê đất phát sinh theo kiến nghị của UBND tỉnh.

Khu du lịch Paradise Vũng Tàu được Bộ KHĐT cấp phép vào ngày 23/4/1991, do Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise làm chủ đầu tư với thời hạn 25 năm.

Liên doanh này được thành lập trên cơ sở kết hợp giữa CTCP Dịch vụ Du lịch Quốc tế Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc UBND đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (nay là CTCP Dịch vụ Du lịch Quốc tế Vũng Tàu) và Công ty Paradise Development and Investment (Đài Loan).

Theo mục tiêu ban đầu, dự án sẽ là một khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng vui chơi giải trí cao cấp rộng 220 ha với các hạng mục: Thủy cung, khu biểu diễn nghệ thuật, khu vui chơi giải trí dưới nước; sân golf 27 lỗ đạt tiêu chuẩn quốc tế; khu trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, triển lãm; khách sạn 5 sao và căn hộ du lịch cao cấp,...

Tổng mức đầu tư của dự án hơn 97 triệu USD, trong đó phía Việt Nam góp 25% bằng quyền sử dụng đất 220 ha và phía đối tác Đài Loan góp 75% còn lại bằng tiền.

Ngày 7/6/1993, CTCP Dịch vụ Du lịch Quốc tế Vũng Tàu đã bàn giao 220 ha cho Công ty liên doanh để triển khai xây dựng công trình tại khu vực Bãi Sau, TP Vũng Tàu.

Đến năm 2016, dự án đã hết thời hạn thực hiện theo giấy phép đầu tư. Tại thời điểm này, nhà đầu tư chỉ mới đưa vào sử dụng khoảng 140 ha (sân golf và nhà rông) trên tổng diện tích đất được giao 220 ha.

Phần diện tích 80 ha còn lại được quy hoạch xây dựng khu khách sạn và khu văn hóa dân tộc, phía nhà đầu tư không đưa vào sử dụng trong thời gian dài, vi phạm quy định pháp luật về đất đai.

Mặc khác, trong quá trình xây dựng dự án, hai bên liên doanh không có sự thống nhất trong quản lý điều hành và giải quyết các vấn đề phát sinh. Đến khi hết thời hạn hoạt động vào năm 2016, hai bên liên doanh cũng chưa thống nhất để đưa ra được quyết định chung về kế hoạch tiếp tục thực hiện dự án.

Tại cuộc họp thống nhất phương án thu hồi và thanh lý tài sản dự án Vũng Tàu Paradise vào ngày 27/12/2018, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết sau hơn 25 năm hoạt động, dự án sẽ chính thức chấm dứt tháng 6/2019.

Đến tháng 9/2020, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản về việc không chấp thuận gia hạn đầu tư Khu du lịch Vũng Tàu Paradise vì thời gian qua dự án chậm triển khai so với tiến độ cam kết và vi phạm quy định pháp luật về đất đai.

Minh Tuấn