Dự án thép Cà Ná - còn nhiều câu hỏi
Vội vã bổ sung quy hoạch?
Tính đến thời điểm hiện tại, Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và phân phối thép giai đoạn 2020 có xét đến 2025 còn đang được triển khai rà soát.
Bằng chứng là đến ngày 7-9, Văn phòng Chính phủ mới ra thông báo kết luận ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về bản quy hoạch này. Theo đó, ông Dũng yêu cầu đánh giá lại cung-cầu thép ở Việt Nam, hạn chế đầu tư các sản phầm đã đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, đề xuất các điều chỉnh quy hoạch cho giai đoạn 2025 có xét đến 2035 trên cơ sở xem xét tình hình sản xuất ở khu vực và thế giới…
Bản quy hoạch điều chỉnh còn phải lấy ý kiến các bộ ngành trước khi được ban hành chính thức. Điều đó có nghĩa là tính đến thời điểm này, Quyết định 694/2013 của Bộ Công Thương trước đây về quy hoạch ngành thép hiện vẫn đang có hiệu lực.
Bản quy hoạch năm 2013 chỉ rõ: tập trung đầu tư các dự án sản xuất thép ở vùng duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng; ngoài ra đầu tư thêm một số dự án tại miền núi phía Bắc (do gần nguồn quặng).
Điều đó có nghĩa là khu vực Cà Ná, nơi đặt Khu liên hợp thép Hoa Sen thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, là khu vực không được định hướng quy hoạch để sản xuất thép. Đây là quy hoạch sửa lại những sai lầm do thu hút đầu tư ồ ạt vào ngành thép thời điểm 2007-2008, khi Lyon Group (Malaysia) liên doanh với Vinashin, Guan Lian đầu tư tại Dung Quất. Dự án nào cũng đăng ký vốn hàng tỉ đô la Mỹ, quy hoạch và giải phóng mặt bằng hàng trăm héc ta đất rồi bỏ hoang.
Tất nhiên quy hoạch không có nghĩa là bất biến, nhưng việc vội vàng bổ sung dự án Khu liên hợp thép Cà Ná của Hoa Sen vào bản quy hoạch đang được sửa đổi, chưa điều chỉnh lại cung cầu thép ở Việt Nam, lại công bố vào cuối tháng 8 vừa qua, trước khi có kết luận của Phó Thủ tướng về tình hình triển khai thực hiện quy hoạch là có quá vội vàng?
Tiếp đó là việc Tỉnh ủy Ninh Thuận mới có văn bản thống nhất chủ trương đầu tư dự án này. Mặc dù chính quyền tỉnh Ninh Thuận và Tập đoàn Hoa Sen đã có nhiều cuộc làm việc để đi đến cơ chế ưu đãi, chọn địa điểm, hạ tầng phục vụ dự án... nhưng đúng như Chủ tịch Hoa Sen Lê Phước Vũ nói trên VnExpress (8-9): “Đến nay chưa có bất cứ giấy phép nào cho dự án ”.
Bởi theo quy định của Luật Đầu tư về hồ sơ, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh, chỉ khi nào chủ đầu tư giải trình về sử dụng công nghệ đối với dự án (tên công nghệ, xuất xứ công nghệ, sơ đồ quy trình công nghệ, tình trạng sử dụng của máy móc thiết bị và dây chuyền công nghệ chính…) như quy định tại điều 33 Luật Đầu tư thì mới xem là một trong những cơ sở để ra quyết định đầu tư.
Hiện Hoa Sen chưa có hồ sơ cụ thể về dự án, còn đang lúng túng về chọn tư vấn dự án, chọn dây chuyền công nghệ… thì căn cứ vào đâu để thẩm định, cấp phép và đưa vào quy hoạch? Và căn cứ vào đâu để cam kết hàng loạt ưu đãi lớn cho Hoa Sen như miễn 70 năm tiền thuê đất, thuê mặt nước, mức ưu đãi cao nhất về thuế tài nguyên cho dự án. Trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết về công nghệ tiên tiến hoặc cam kết môi trường, hoặc đầu tư sản xuất chủ yếu vào các mặt hàng thép xây dựng hiện đang dư thừa và bị hạn chế đầu tư, thay cho thép luyện kim và thép kết cấu được khuyến khích thì có thay đổi ưu đãi đầu tư?
Không lấy tiền thuế của dân để hỗ trợ dự án thép
Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Pháp luật TPHCM hôm 6-9 , Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hậu đã nói về vấn đề nguồn nước cung ứng cho nhà máy luyện thép khi mà khí hậu ở Ninh Thuận khô hạn, nước ngọt không đủ dùng; thậm chí cả nhà máy nước Phước Nam công suất 30.000m3/ngày chỉ đủ cung cấp 13% nhu cầu cho nhà máy luyện thép 16 triệu tấn/năm.
Theo ông Hậu, tỉnh đã tính toán nguồn nước bổ sung cho dự án thép từ dự án hồ Sông Cái. Ông khẳng định đây là hồ chứa có trữ lượng nước bằng tất cả hồ chứa trên toàn tỉnh cộng lại. Đúng là Cụm công trình hồ chứa nước Sông Cái có dung tích 219 triệu m3, đã khởi công từ năm 2010 đến nay có tổng mức đầu tư 3.802 tỉ đồng, nhưng công trình đầu mối, hồ chứa là 2.068 tỉ đồng lấy từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, được xây dựng với nhiệm vụ chính là cấp nước tưới tiêu trực tiếp cho hơn 4.300 héc ta đất và hệ thống thủy nông, cấp nước nuôi trồng thủy sản, dân sinh, cải tạo môi trường…
Tỉnh Ninh Thuận không thể sử dụng những công trình phục vụ dân sinh, nông nghiệp, cải tạo môi trường, lấy từ tiến ngân sách, tiền thuế người dân đóng góp làm các công trình hỗ trợ phục vụ dự án thép Hoa Sen.
Ninh Thuận đã từng rút giấy phép của dự án thép tỉ đô liên doanh giữa Lyon Group và Vinashin. Tỉnh Quảng Ngãi mới đây cũng đã rút giấy phép dự án thép Tycoons (sau là Guang Lian). Giải quyết hậu quả các dự án thép FDI tỉ đô không hề dễ. Song cũng không thể “chữa cháy” bằng cách đưa vào đó các dự án tỉ đô khác một cách vội vàng, để lấp đi hậu quả về giải phóng mặt bằng, đời sống người dân.
Làm như thế chỉ là một cách thu hút đầu tư tại các địa phương bằng mọi giá đã được biến tướng so với trước đây.
LS Châu Huy Quang – Luật sư điều hành Hãng luật Rajah & Tann LCT Lawyers Về các kiến nghị ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với dự án dự án tổ hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận (Thép Cà Ná) của Tập đoàn Hoa Sen, tôi cho rằng việc xem xét chấp thuận cần dựa trên cơ cơ quy định liên quan của pháp luật về thuế. Theo quy định tại Điều 13.2 của của Luật thuế TNDN số 14/2008/QH12 ngày 3/6/2008 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 32/2013/QH13 ngày 19/6/2013 và Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 của Quốc hội, thuế suất 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án chỉ được áp dụng đối với một số loại thu nhập đặc biệt, bao gồm: - Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường; - Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua; - Thu nhập của cơ quan báo chí từ hoạt động báo in, kể cả quảng cáo trên báo in theo quy định của Luật báo chí; thu nhập của cơ quan xuất bản từ hoạt động xuất bản; - Thu nhập của doanh nghiệp từ: trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; nuôi trồng lâm sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; sản xuất, nhân và lai tạo giống cây trồng, vật nuôi; sản xuất, khai thác và tinh chế muối; đầu tư bảo quản nông sản sau thu hoạch, bảo quản nông sản, thủy sản và thực phẩm; - Thu nhập của hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Như vậy, chưa rõ dự án thép Cà Ná thuộc đối tượng nào để được áp thuế TNDN 10% trong suốt thời gian hoạt động. Trường hợp tỉnh Ninh Thuận là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, dự án thép Cà Ná có thể được xem xét áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% trong thời hạn 15 năm. Luật thuế TNDN có quy định kéo dài thêm thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, thời gian kéo dài thêm việc áp dụng thuế suất ưu đãi thuế TNDN 10% là không quá 15 năm, tức tổng thời gian hưởng thuế ưu đãi thuế TNDN không quá 30 năm. Mặt khác, để được kéo dài thêm thời gian áp dụng thuế ưu đãi, doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện nhất định, trên cơ sở phải có đề nghị Bộ trưởng Bộ tài chính (khoản 5 Điều 15, Nghị định số 218/2013/NĐ-CP). Cũng theo quy định tại khoản 4 Điều 30 của Luật Đầu tư (2014), dự án có yêu cầu phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định. Do đó, về nguyên tắc, trường hợp Tập đoàn Hoa Sen mong muốn được hưởng ưu mức thuế ưu đãi đặc biệt, vượt quá các mức quy định hiện hành, dự án cần phải được Quốc hội xem xét quyết định chủ trương. Do vậy, việc UBND tỉnh Ninh Thuận cùng chủ đầu tư muốn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt 69 năm triển khai dự án cũng phải xem lại quy trình, thẩm quyền xem có phù hợp với quy định hiện hành không. Việt Nam đã có nhiều dự án luyện cán thép đã được cấp phép, do đó, nếu xét quy mô vốn lớn (trên tuyên bố, đăng ký kê khai 10 tỷ USD, giải ngân thực tế là vấn đề khác), để cho ưu đãi vượt “trần”, nhất là dự án có nguy cơ xâm hại môi trường cao thì cần cẩn trọng về mặt chính sách. Tạo ra các ngoại lệ tương tự có thể thành tiền lệ xấu trong việc xây dựng và thực thi chính sách pháp luật không nhất quán, công bằng cho các doanh nghiệp khác, không bảo đảm các nguyên tắc đối xử công bằng cho các nhà đầu tư, tính cạnh tranh của một thị trường công khai, minh bạch như nhà nước chủ trương, cam kết. Cũng phải nói rằng việc các địa phương mong muốn thu hút đầu tư vào địa bàn mình bằng các kiến nghị hoặc tự quyết định đưa ra các chính sách ưu đãi vượt khung như thế ở Việt Nam đã kéo dài hàng chục năm trước, nhất là thời điểm thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư nước ngoài 2005 tại Việt Nam. Đây là cách thu hút hút đầu tư, manh mún, theo cách làm cũ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, ảnh hưởng đến an toàn, an sinh kinh tế-xã hội về lâu dài cho đất nước. Minh Tâm ghi |
Theo Lan Nhi
TBKTSG
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/