Dù đã chi 1.557 tỉ đồng cho việc giải phóng mặt bằng, dự án BOT đoạn tuyến 2,7 km nối đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP HCM - Trung Lương vẫn dang dở sau 5 năm triển khai.
Dự án nằm tại huyện Bình Chánh được triển khai từ cuối năm 2015 với chiều dài 2,7 km, bao gồm: 2 đường khu vực (rộng 11-14,5m), 2 nút giao thông ở 2 đầu tuyến và 2 cầu đường bộ trên tuyến. Thời gian thi công dự kiến 20 tháng với kinh phí giai đoạn 1 là 1.143 tỷ đồng (không tính tiền giải phóng mặt bằng 1.557 tỷ). Trong ảnh là cầu vượt đường Võ Văn Kiệt qua quốc lộ 1A theo dự án, đây là nơi sẽ được triển khai nút giao thông dẫn vào đoạn tuyến BOT này.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, từ khi khởi công dự án đến nay, đơn vị thi công chỉ thực hiện một số hạng mục nhỏ của dự án, tổng tiến độ xây lắp chỉ đạt 140 tỷ đồng/1.143 tỷ đồng, tương đương 12%. Giai đoạn đầu, việc triển khai dự án thường xuyên chậm tiến độ, đến tháng 6/2018 thì ngừng thi công cho đến nay.
Một kết cấu bê tông tại nút giao nối dự án với đường Võ Văn Kiệt, đã ngừng thi công nhiều năm bắt đầu rỉ sét.
Khu vực nối đường Võ Văn Kiệt với điểm đầu của dự án vẫn còn nhiều nhà xưởng thuộc diện giải tỏa nhưng vẫn hiện hữu. Công tác giải phóng mặt bằng tại đây chậm chạp trong nhiều năm.
Đây là điểm cuối của dự án đường tuyến BOT, kết nối với cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Theo dự án, đây là nơi triển khai xây dựng nút giao thông và một số kết cấu hạ tầng giao thông phụ trợ khác. Sau gần 5 năm, nơi này chỉ là con lộ đất rộng vài mét, được phủ một lớp đá.
Theo đánh giá của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, dự án chưa thể hoàn thành vừa tốn kém ngân sách Nhà nước để bồi thường, giải phóng mặt bằng, vừa chưa cải thiện được tình hình giao thông kết nối TP.HCM với tuyến cao tốc huyết mạch về miền Tây. Chính sách đầu tư công vì thế cũng chưa đạt được mục tiêu như mong muốn, gây lãng phí.
Vài đoạn được thi công từ nhiều năm trước; tuy nhiên, nhà thầu chỉ phủ đá lên nền đất, kết cấu giản đơn, dễ hư hỏng và ứ nước.
Nhiều kết cấu bê tông, cọc nằm rải rác ven tuyến đường BOT này trong nhiều năm. Từ năm 2018 đến nay, hầu như không có công nhân làm việc tại dự án.
Theo dự án, toàn bộ đoạn tuyến BOT này phải hoàn thành vào cuối năm 2017. Người dân địa phương cho biết chiếc máy xúc này đã không hoạt động khoảng 2 năm nay. Ngành chức năng TP.HCM nhiều lần đôn đốc việc triển khai dự án, tuy nhiên tình hình vẫn chưa được cải thiện.
Toàn tuyến dài 2,7 km nhưng chỉ có vài đoạn hình thành kết cấu đường tạm bợ. Phần lớn chiều dài đoạn tuyến còn lại vẫn là nền đất đen, nhiều đoạn qua nhà dân chưa được giải phóng mặt bằng.
Hơn 10 hộ dân khu vực đường Cây Bàng, ấp 2, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, vẫn sinh sống trên tuyến đường thuộc dự án. Nhiều hộ dân cho biết phần lớn trong số họ đã nhận tiền đền bù giải tỏa, nhưng chưa được bố trí tái định cư.
Nhiều năm qua, bà Đặng Thị Hai mong muốn tuyến đường được triển khai. Bà là một trong nhiều hộ dân thuộc ấp 2, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, bị ảnh hưởng bởi dự án. Căn nhà bà đang ở khá nhếch nhác vì không thể sửa chữa trong nhiều năm. Bà nói nhà đất của mình thuộc diện giải tỏa, nhưng vì chưa được bố trí tái định cư nên bà vẫn cố ở đây.
Phạm Ngôn
Link bài gốc
https://zingnews.vn/du-an-nghin-ty-thi-cong-cham-hon-rua-bo-o-tphcm-post1093517.html