|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Dự án ‘ma’ giăng bẫy nhà đầu tư đất nền

13:55 | 10/06/2019
Chia sẻ
Thời gian gần đây, phân khúc đất nền vùng ven TP.HCM trở thành điểm nóng đầu tư. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, khách hàng cần xem xét, cân nhắc thận trọng trước nhiều rủi ro có thể xảy ra.

Tràn lan dự án “ma”

Đầu năm 2019 đến nay, phân khúc đất nền tại TP HCM không có nhiều biến động nhưng thị trường vẫn liên tục xuất hiện nhiều dự án "ma". Những khu đất này được rao bán công khai dù chưa được phê duyệt. Trong đó, nhiều trường hợp nhà đầu tư bị các đối tượng xấu lừa gạt, tạo lòng tin thông qua hình thức “lập vi bằng” tại cơ quan Thừa phát lại.

Theo ông Phan Công Chánh, Tổng giám đốc Phú Vinh Group, “công chứng vi bằng” là sự sáng tạo khái niệm nhằm mục đích lừa đảo, bởi “công chứng” và “vi bằng” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau”.

Dự án ‘ma’ giăng bẫy nhà đầu tư đất nền - Ảnh 1.

Dự án 'ma' giăng bẫy nhà đầu tư đất nền (Ảnh minh họa)

Trước thực trạng trên, nhiều quận, huyện phải lên tiếng cảnh báo người dân thận trọng với những chiêu trò chào mời hấp dẫn. Tuy nhiên, đến nay, những hiện tượng rao bán mập mờ này vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.“Việc lập vi bằng trên giấy tờ viết tay chỉ nhằm ghi nhận hành vi giao nhận tiền mà không khẳng định nội dung đó là dùng để làm gì, đúng hay sai. Trên thực tế, có nhiều trường hợp, văn phòng công chứng và văn phòng Thừa phát lại có chung một địa chỉ. Các đối tượng xấu lợi dụng kẽ hở này để tạo lòng tin và gây thiệt hại cho nhà đầu tư cá nhân khi mua bán đất phân lô, nhà không đủ điều kiện pháp lý”, ông Chánh cho biết.

Cẩn trọng khi mua đất nền

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng, nếu nhà đầu tư thứ cấp có nhu cầu thật mua đất nền trong các dự án, thì nên cân nhắc yếu tố pháp lý. Cụ thể, người mua cần xem xét các loại giấy tờ hợp lệ về đất (phải được chuyển đổi mục đích thành đất ở), giấy phép xây dựng, điều kiện huy động vốn. Nếu dự án nào đang được thế chấp thì phải giải chấp xong.

“Để dự án được huy động vốn cần phải có văn bản chấp thuận của Sở Xây dựng. Dự án sau khi được cấp phép xây dựng và chuyển đổi đúng mục đích sử dụng thì phải đảm bảo tính minh bạch về thông tin, nhu cầu sử dụng vốn nhằm đáp ứng điều kiện được xem xét bảo lãnh từ ngân hàng”, ông Châu nhấn mạnh.

Chủ tịch HoREA cũng khuyên người mua đất không nên cả tin vào các biên bản đặt cọc, giữ chỗ trong khi chưa có thông tin chính xác dự án đó đã được cấp phép xây dựng hay chưa. Việc nhà đầu tư chỉ nắm giữ biên bản đặt cọc, giữ chỗ có rủi ro rất lớn.

“Đặc biệt, nhà đầu tư cần lưu ý đến việc trong bán kính 2-3 km phải có sự sống, bao gồm các công trình trường học, bệnh viện… Ngoài ra, người mua cần hiểu rõ tiềm năng phát triển dự án trong vòng 1-3 năm tới. Bởi lẽ, nhiều dự án kéo dài 5-10 năm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kỳ vọng nhà đầu tư. Nếu dự đoán sai có thể xảy ra rủi ro dự án lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan”, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa khuyến cáo.

Mặt khác, chuyên gia này cũng cho rằng, với nhà đầu tư mua đất nền dạng tách thửa ở vùng ven, cần đặc biệt chú ý đến thông tin quy hoạch tại UBND phường/xã, phải xem xét khu đất đó đã ra sổ đỏ hay chưa, tính hoàn chỉnh về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông…

Dù đánh giá cao tiềm năng phân khúc đất nền, nhưng theo chuyên gia Trần Khánh Quang, nếu nhà đầu tư có ý định mua đất nền vùng ven thì tuyệt đối hạn chế vay ngân hàng để đầu tư. Bởi lẽ, việc đầu tư đất nền không chỉ 1-2 năm mà nó còn mang tính dài hạn. Việc nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính thông qua vay vốn ngân hàng mà kỳ vọng thời gian ngắn trong trường hợp này là cực kỳ rủi ro. “Thay vì 1 tỷ đồng mua được 1 lô đất, nhưng nếu dùng đòn bẩy tài chính để mua 3 lô đất giá 1 tỷ đồng sẽ rất là nguy hiểm”, ông Quang nói.


Linh Anh