Dự án lấn biển Vũng Tàu bị phản đối vì vị trí nhạy cảm?
Thời gian gần đây, người dân TP Vũng Tàu khi lưu thông qua khu vực Hòn Ngưu, đường Trần Phú, biển Bãi Trước nhận thấy trong khuôn viên Khu du lịch (KDL) Hồ Mây đang có nhiều xe cuốc, xe ben đổ đất đá xuống biển, tiến hành san gạt để thi công.
Dự án KDL lấn biển này do Công ty CP Du lịch cáp treo Vũng Tàu làm chủ đầu tư (CĐT) và đang trong giai đoạn làm nền cho cụm công trình cáp treo và thủy cung Hòn Ngưu.
Liên quan đến dự án này, ngay trong chính dư luận người dân thành phố cũng có rất nhiều luồng quan điểm trái chiều.
Người cổ vũ nhiều, phản đối cũng không ít
Nỗi lo lớn nhất của nhiều người dân địa phương là dự án có nguy cơ xâm hại khu vực di tích Bạch Dinh, làm ảnh hưởng đến cảnh quan khu vực Bãi Trước và tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, người dân cho rằng việc cho thực hiện một dự án lớn lấn biển như vậy cần xem xét kỹ có cần thiết hay không.
Tuy nhiên, cũng có một luồng ý kiến ngược chiều, cho rằng TP Vũng Tàu có lợi thế đường bờ biển rất đẹp, lý tưởng để phát triển du lịch nhưng còn thiếu những sản phẩm, loại hình du lịch có thể giữ chân du khách dài ngày. Các hạng mục mới mẻ trong KDL Hồ Mây như thủy cung, bến du thuyền… được kỳ vọng là điểm đến mới hấp dẫn cho du khách. “Điều quan trọng là phải xem xét kỹ lưỡng. Dự án xâm lấn vào bãi biển phải thực hiện đánh giá tác động môi trường bài bản và lấy ý kiến dân cư” - một người dân góp ý.
Trao đổi với báo chí, các cơ quan chức năng TP Vũng Tàu và tỉnh đều cho biết dự án trên được phê duyệt dự án, cấp phép xây dựng đúng quy trình, quy định pháp luật.
Nhiều năm qua, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và TP Vũng Tàu luôn nỗ lực tìm hướng đi cụ thể, tận dụng quỹ đất ven biển - những nơi không ảnh hưởng tới cảnh quan, sinh hoạt cộng đồng dân cư để phát triển kinh tế, du lịch. Trên thực tế, có rất nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm chủ trương này và muốn nghiên cứu lập dự án.
Theo các ý kiến ủng hộ chủ trương của thành phố, KDL Hồ Mây là dự án tầm cỡ nếu có thể hoàn thành đúng tiến độ, không bị… treo. Quan trọng hơn cả, quá trình thực hiện dự án phải luôn có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng để đảm bảo hoàn thành đúng như phê duyệt.
Phối cảnh dự án KDL Hồ Mây đặt trong mối tương quan với khu vực hiện hữu xung quanh. Ảnh: TK
Được xem xét một cách khắt khe
Theo tìm hiểu của PV Pháp Luật TP.HCM, cụm dự án Hồ Mây là khu du lịch, văn hóa, vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng với rất nhiều hạng mục công trình. Quy hoạch khu mặt nước biển thuộc dự án này đã được tỉnh nghiên cứu, phê duyệt từ năm 1998, nằm trong tổng thể cụm đô thị phía biển Bãi Trước phục vụ cộng đồng, du lịch.
Trong quy hoạch này có cả Công viên Bãi Trước đã được đầu tư xây dựng. Riêng vị trí đất hiện nay Công ty Cáp treo Vũng Tàu đang đầu tư thời điểm đó được tỉnh để lại, mục đích chọn lựa nhà đầu tư có năng lực làm dự án.
Do nằm ở vị trí đặc biệt nên khi CĐT xin điều chỉnh quy hoạch (khu thủy cung), ý thức được vấn đề về môi trường, cảnh quan, Sở Xây dựng đã thực hiện xét duyệt rất kỹ, có những yêu cầu khá khắt khe với CĐT về mỹ thuật, môi trường, khoảng lùi, cây xanh... Sở yêu cầu CĐT thiết kế phương án kiến trúc, chọn lựa phương án phù hợp, lấy ý kiến nhiều đơn vị.
Trước khi được Sở Xây dựng thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch, CĐT dự án đã phối hợp với UBND TP Vũng Tàu tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư, các sở ngành theo quy định.
Ngoài ra, phương án quy hoạch, kiến trúc cũng được tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, trong đó có Hội Kiến trúc sư, Thường trực Hội đồng kiến trúc - quy hoạch tỉnh để đảm bảo dự án tạo được hình ảnh kiến trúc, cảnh quan tốt nhất cho khu vực.
Các thắc mắc, lo ngại liên quan đến dự án này sẽ tiếp tục được cơ quan chức năng tỉnh công khai, làm rõ trong buổi họp giao ban báo chí quý III diễn ra vào hôm nay (10-10).
Ông Đậu Thế Anh, Tổng giám đốc Công ty CP Du lịch Cáp treo Vũng Tàu - đơn vị CĐT cho biết năm 2003, tỉnh đã cấp giấy đỏ diện tích 6,7 ha đất, mặt nước cho công ty. Việc điều chỉnh quy hoạch dự án thủy cung là do khi triển khai thi công thì phương án cũ đã không còn khả thi, vật liệu cũ không đáp ứng được yêu cầu.
Việc điều chỉnh, lên phương án thiết kế lại mất gần bốn năm mới được phê duyệt. Theo ông Thế Anh, do dự án ở vị trí nhạy cảm nên việc có những ý kiến trái chiều là tất yếu. Diện tích san gạt trên biển sẽ vào khoảng 3 ha và nếu thuận lợi, dự án có thể xong trước thời điểm năm 2023.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/