|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Lấn biển Vũng Tàu, chủ đầu tư Hồ Mây nói 'dự án hợp pháp'

15:55 | 09/10/2019
Chia sẻ
Ngoài dự án này, thực tế ở Vũng Tàu đã có những công trình, khu du lịch lấn biển khác được cấp phép xây dựng.

Những ngày qua nhiều người dân TP Vũng Tàu đi qua khu vực Hòn Ngưu, đường Trần Phú, biển Bãi Trước trong khuôn viên Khu du lịch (KDL) Hồ Mây của Công ty CP Du lịch cáp treo Vũng Tàu không khỏi thắc mắc khi thấy nhiều xe cuốc, xe ben đổ đất, đá xuống biển. Các xe công trình đang san gạt để tạo nền cho dự án cụm dịch vụ cáp treo và thủy cung Hòn Ngưu.

Nhiều người dân tỏ ra lo ngại và phản đối vì dự án lấn biển có nguy cơ xâm hại khu vực di tích Bạch Dinh, những vấn đề về môi trường, cảnh quan khu vực Bãi Trước, Vũng Tàu bị ảnh hưởng. Mặt khác, cũng có người ủng hộ vì Vũng Tàu sẽ có một sản phẩm du lịch độc đáo, lạ mắt...

Lấn biển Vũng Tàu, chủ đầu tư Hồ Mây nói 'dự án hợp pháp' - Ảnh 1.

Công ty CP Du lịch Cáp treo Vũng Tàu đang san, gạt lấn dưới biển. Ảnh:TK

Trao đổi với báo chí, các cơ quan chức năng TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đều cho rằng dự án lấn biển quy mô này được phê duyệt dự án, cấp phép xây dựng đúng quy trình, quy định pháp luật. Họ chỉ yêu cầu chủ đầu tư (CĐT) có tiềm lực tài chính thực sự, thực hiện dự án tới cùng như phê duyệt đã được duyệt…

Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã liên hệ và có cuộc trao đổi thẳng thắn với ông Đậu Thế Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Cáp treo Vũng Tàu - đơn vị CĐT, về dự án này.

Theo ông Thế Anh, năm 1998, dự án KDL Hồ Mây, nhà ga và thủy cung Hòn Ngưu của công ty đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết. Đến năm 2003, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cấp sổ đỏ diện tích 6,7 ha đất, mặt nước cho công ty. KDL Hồ Mây trên Núi Lớn, cáp treo được đưa vào hoạt động trước, đang khai thác du lịch và tiếp tục đầu tư xây dựng nhiều hạng mục khác.

“Diện tích san gạt trên biển khoảng 3 ha. Chúng tôi có theo dõi và lắng nghe các ý kiến trái chiều về dự án này. Do dự án nằm ở vị trí khá nhạy cảm nên việc có những ý kiến như trên là điều bình thường. Chúng tôi xin tiếp thu. Tôi khẳng định dự án đầy đủ giấy tờ hợp pháp, được các cơ quan chức năng tỉnh, bộ ngành phê duyệt.

Riêng dự án thủy cung đến khi có thể triển khai thì phương án cũ không khả thi, vật liệu cũ không đáp ứng được yêu cầu nữa. Vì vậy chúng tôi đã xin điều chỉnh quy hoạch..." - ông Thế Anh nói.

Lấn biển Vũng Tàu, chủ đầu tư Hồ Mây nói 'dự án hợp pháp' - Ảnh 2.

Phối cảnh dự án.

Đại diện chủ đầu tư cho biết thêm: "Việc điều chỉnh, lên phương án thiết kế lại mất gần bốn năm mới được phê duyệt (tháng 6-2018). Hiện nay, ngoài thủy cung được xây dựng hiện đại, mang tầm quốc tế thì còn có khách sạn 22 tầng tiêu chuẩn năm sao hướng nhìn ra biển cũng sẽ được xây dựng trong cụm này. Tổng vốn dự án là 50 triệu USD.

Trước mắt phần hạ tầng thi công trong một năm, chúng tôi đã chuẩn bị xong khoảng 15-20 triệu USD. Sau đó sẽ tổ chức chọn đối tác quốc tế để cùng xây dựng, khai thác, chuyển giao. Đây sẽ là một sản phẩm du lịch độc đáo cho Vũng Tàu".

Phóng viên đã đặt câu hỏi: Điều dư luận, cơ quan chức năng băn khoăn nhất là việc DN có đủ năng lực tài chính thực hiện dự án đến cùng hay không; hay chỉ san gạt mặt bằng một thời gian sẽ ngừng, kéo dài, trì trệ, làm không tới? Dự án có làm ảnh hưởng tới di tích Bạch Dinh gần đó, xâm hại môi trường, thay đổi dòng chảy biển Bãi Trước hay không?

Ông Thế Anh trả lời: "Khi cấp phép, điều chỉnh quy hoạch, các sở, ngành đã tiến hành đầy đủ các thủ tục, lấy ý kiến đánh giá về dự án. Chúng tôi không được quyền lấy ý kiến riêng. Chúng tôi cũng rất mong chờ dự án này và cam kết sẽ làm dự án tới cùng để đem tới một sản phẩm du lịch tốt nhất như kỳ vọng. Nếu thuận lợi, dự án có thể xong trước thời điểm năm 2023…”.

Trùng Khánh