|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dự án kênh dài nhất TP HCM bị lấn chiếm mặt bằng

10:02 | 30/05/2024
Chia sẻ
Nhiều đoạn ven kênh Tham Lương - Bến Cát sau khi giải toả chờ triển khai dự án cải tạo, xây đường dọc bờ bị người dân tái chiếm để cơi nới nhà, mở lối đi, trồng cây.

Những ngày gần đây, dãy nhà ven kênh Tham Lương đoạn gần đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân, được chủ hộ thuê người tháo dỡ phần lấn chiếm phía trước để giao lại mặt bằng sau khi chính quyền vận động. Khu vực này có khoảng ba căn nhà liền kề đã xây kiên cố, cao 2-3 tầng, hướng ra mặt kênh. Sau khi dỡ bỏ khoảng sân phía trước, móng và cửa nhà nằm sát mép tuyến đường đang thi công dọc bờ - một hạng mục chính của dự án cải tạo, xây dựng hạ tầng kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.

Dãy nhà ven kênh Tham Lương đoạn gần đường Kinh Dương Vương sau khi dỡ phần sân phía trước, cửa nhà nằm sát mép tuyến đường đang thi công dọc bờ, ngày 29/5. (Ảnh: Gia Minh).

Phía bên kia dòng kênh, một số nhà cũng cơi nới ra ngoài, dựng công trình tạm, rào lưới, khiến khu vực chuẩn bị xây tuyến đường dọc bờ trở nên "lồi lõm" dù mặt bằng đã được phát quang cỏ dại, san ủi. Kỹ sư một nhà thầu xây dựng tại đây cho biết phần diện tích các hộ lấn ra ngoài tuy không lớn nhưng khiến mặt bằng gián đoạn, ảnh hưởng quá trình thi công. Đơn vị không thể yêu cầu chủ hộ tháo dỡ vì có thể nảy sinh tranh cãi. Do vậy, một số đoạn làm vỉa hè, thoát nước bị vướng lấn chiếm phải chờ giải toả mới triển khai.

Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên là tuyến kênh dài nhất TP HCM với gần 32 km, đi qua 7 quận huyện: gồm: Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, 12 và huyện Bình Chánh. Hơn 20 năm trước, thành phố triển khai giai đoạn một dự án cải tạo dòng kênh này với việc giải phóng mặt bằng và thi công nạo vét, đắp bờ đất hai bên cùng xây dựng cửa xả thoát nước tại một số rạch nhánh xung quanh. Do thiếu vốn, giai đoạn hai của dự án đến năm 2023 mới thực hiện với tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng từ ngân sách.

Một bên kênh Tham Lương, đoạn qua quận Bình Tân đang được kè bờ và xây tuyến đường dọc bên, ngày 29/5. (Ảnh: Gia Minh).

Trong 7 quận huyện tuyến kênh đi qua, Bình Tân là địa bàn có số hộ dân bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dự án cải tạo, với khoảng 2.267 trường hợp. Sau khi thu hồi đất từ giai đoạn một, đến nay địa bàn quận phát sinh hơn 200 hộ có dấu hiệu tái chiếm. Trong đó, các trường hợp xây dựng kiên cố (tường rào, sân, nhà) chiếm phần lớn với 132 hộ. Nhóm khác cũng phổ biến là công trình xây dựng tạm (mái bạt, hiên, cây kiểng...) với 71 hộ.

Theo UBND quận Bình Tân, đến cuối tháng 4 địa phương đã xử lý xong 205 trường hợp. Những hộ còn lại gặp vướng mắc như chủ đầu tư chưa bàn giao ranh chính xác để người dân tự tháo dỡ. Một số trường hợp chưa đồng ý với diện tích đất nhận tiền đền bù, ranh mốc thực địa sai lệch so với hồ sơ bồi thường và ranh quy hoạch. Ngoài ra còn có trường hợp chồng ranh Khu Công nghiệp Tân Tạo. Địa phương đang phối hợp các bên liên quan kiểm tra, vận động, để xử lý dứt điểm và giao mặt bằng thi công đường ven kênh.

Ngoài Bình Tân, trước đó Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị (chủ đầu tư) cho biết một số địa bàn khác cũng có tình trạng tái chiếm, như ở quận 12, Bình Chánh, Tân Bình. Vì vậy, chủ đầu tư kiến nghị sớm giải quyết để không ảnh hưởng tiến độ dự án.

Hướng tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. (Đồ hoạ: Khánh Hoàng).

Công trình cải tạo, xây dựng hạ tầng kênh Tham Lương - Bến Cát gồm hạng mục chính là xây kè bêtông hai bờ, nạo vét lòng kênh và làm đường rộng 7-12 m mỗi bên. Dọc tuyến sẽ xây ba cây cầu, 19 cống thoát nước, 12 bến thuyền cùng hệ thống chiếu sáng, cây xanh.

Theo chủ đầu tư, toàn bộ dự án hiện đạt hơn 50% khối lượng, dự kiến hoàn thành cuối tháng 4 năm sau, giúp thoát nước và chống ngập cho diện tích 14.900 ha khu vực xung quanh. Công trình khi hoàn thành cũng sẽ giảm tải cho quốc lộ 1 nhờ hai tuyến đường dọc kênh, đồng thời kết nối giao thông thuỷ TP HCM với Long An qua sông Chợ Đệm và Đồng Nai, Bình Dương qua sông Sài Gòn.

Gia Minh