Dự án đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi cần vốn đối ứng để tiếp tục GPMB
Mô hình một tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội. (Nguồn: Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội)
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản đề nghị các bộ, ngành liên quan cho ý kiến về Tờ trình của Bộ liên quan đến kế hoạch thực hiện và xử lý thủ tục điều chỉnh Dự án đường sắt đô thị Yên Viên – Ngọc Hồi, tuyến số 1.
Theo Tờ trình, Bộ GTVT nêu rõ, quá trình triển khai Dự án đường sắt đô thị Yên Viên – Ngọc Hồi, tuyến số 1 có những khó khăn vướng mắc nên phải điều chỉnh và phân chia thành các giai đoạn cho phù hợp với tình hình thực tế và khả năng huy động vốn.
Cụ thể, trong quá trình thực hiện dự án, Bộ Tài chính chưa đồng thuận về thẩm quyền điều chỉnh và đề nghị phải báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội tương tự như các dự án đường sắt đô thị khác hiện đang triển khai ở Hà Nội và TP HCM nhằm đảm bảo khả năng cân đối nguồn lực đầu tư. Vấn đề này đã được Bộ GTVT rà soát, làm rõ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Về bố trí vốn đối ứng để GPMB khu Tổ hợp Ngọc Hồi, Bộ GTVT cho biết, nhu cầu vốn GPMB là 2.310 tỉ đồng, trong khi đó từ năm 2009 – 2017 dự án mới được bố trí 388 tỉ đồng, kế hoạch vốn trung hạn 2016 – 2020 bố trí là 512 tỉ đồng nên khả năng hoàn thành GPMB vào năm 2020 sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành giai đoạn I vào năm 2024.
Do đó, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện Dự án đường sắt đô thị Yên Viên – Ngọc Hồi, tuyến số 1 giai đoạn I nhằm phục vụ trước mắt cho việc di dời cơ sở hạ tầng đường sắt tại ga Hà Nội, ga Giáp Bát hiện có ra Ngọc Hồi, đáp ứng yêu cầu là khu đầu mối phía Nam của đường sắt quốc gia và là tiền đề phát triển đường sắt đô thị sau này.
Bên cạnh đó, để tiếp tục triển khai dự án Dự án đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi, tuyến số 1, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận điều chỉnh, bổ sung vốn đối ứng để Bộ GTVT triển khai thực hiện công tác GPMB. Đồng thời cho phép tiếp tục sử dụng vốn vay của Hiệp định VN12-P4 đề thuận tiện trong quá trình khởi động lại dự án nếu Khu Tổ hợp Ngọc Hồi được tiếp tục triển khai ngay.
Về cơ chế tài chính của dự án, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT, Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, thống nhất cơ chế tài chính cho dự án làm cơ sở để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Được biết, Dự án đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi (giai đoạn 1) là tuyến số 1 trong số 5 tuyến đường sắt đô thị được Thủ tướng phê duyệt nhằm phát triển giao thông đô thị đến năm 2020, nối liền Hà Nội với các đô thị xung quanh như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Nguyên...
Trước đó, năm 2017, Bộ GTVT đã có quyết định về công tác GPMB dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) giai đoạn 1 phải hoàn thành trước năm 2019 để triển khai thi công xây lắp (bắt đầu từ 2018, hoàn thành năm 2024).
Theo quyết định này, kinh phí để thực hiện hoàn thành công tác GPMB cho khu tổ hợp Ngọc Hồi là 2.310 tỉ đồng. Đến nay, kế hoạch vốn đã bố trí cho phần GPMB của dự án là 388 tỉ đồng. Tại Quyết định số 1291, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ giao 512 tỉ đồng vốn ngân sách Nhà nước (vốn đối ứng) giai đoạn 2016-2020.
Tuy nhiên, thời điểm đó, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, tuyến đường sắt đô thị số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) giai đoạn 1 chỉ có thể khởi công vào cuối năm 2018 khi vốn đối ứng dành cho công tác GPMB được bố trí theo đúng kế hoạch.