|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vướng vấn đề pháp lý khi vay Trung Quốc thêm gần 251 triệu USD

08:43 | 23/11/2017
Chia sẻ
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã cơ bản hoàn thành công tác xây lắp, hiện đang vướng mắc vấn đề cấp ý kiến pháp lý về khoản vay bổ sung 250,62 triệu USD từ phía Trung Quốc để thanh toán đẩy nhanh tiến độ thi công.
du an duong sat cat linh ha dong vuong van de phap ly khi vay trung quoc them gan 251 trieu usd
(Ảnh minh họa: Báo Giao thông)

Ngành đường sắt chưa hoàn thiện bất cứ dự án trọng điểm nào

Báo cáo quý III/2017 về tình hình thực hiện các công trình, dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải (GTVT) của Bộ GTVT cho thấy, cả 7 dự án trọng điểm của ngành đường sắt đều chưa hoàn thành. Cụ thể, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã cơ bản hoàn thành công tác xây lắp, riêng khu Deport chỉ còn 1/16 đơn thể đang tiếp tục thi công, tiến độ thi công hạng mục này bị chậm do vướng mắc đến công nghệ Deport.

Vướng mắc chính hiện nay tại dự án này là vấn đề cấp ý kiến pháp lý về khoản vay bổ sung 250,62 triệu USD để thanh toán đẩy nhanh tiến độ thi công. Ngoài ra, công tác thanh toán còn chậm do Tổng thầu lập hồ sơ thành toán chậm và thiếu tài liệu liên quan.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13 km, có tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD vào năm 2008, trong đó vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD. Dự án chính thức khởi công năm 2011 sau nhiều lần chậm tiến độ. Tổng thầu EPC dự án là Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc.

Đến năm 2016, tổng mức đầu tư của dự án tăng lên 868,04 triệu USD, trong đó phần vốn vay Trung Quốc là 669,62 triệu USD (tăng 250,62 triệu USD), vốn đối ứng Việt Nam là 198,42 triệu USD (tăng 64,56 triệu USD).

Trước đó theo kế hoạch, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ hoàn thành công tác lắp đặt thiết bị vào tháng 7/2017, đến tháng 10, dự án bắt đầu chạy thử liên động toàn hệ thống trong 3 - 6 tháng và đưa vào khai thác thương mại trong quý II/2018. Tuy nhiên, thực tế dự án đã bị chậm tiến độ do thiếu vốn, lỡ mốc vận hành thử nghiệm vào tháng 10.

Các dự án đường sắt khác đều đã hoàn thành một số phần việc nhất định và vẫn đang tiếp tục triển khai. Theo đó, dự án đường sắt Bến Thành – Suối Tiên đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tuy nhiên còn một số vướng mắc cục bộ, công tác thi công đã triển khai được 4/5 gói, tổng khối lượng thực hiện đạt 41%. Số vốn ODA đề nghị xác nhận thanh toán vượt kế hoạch được giao nên việc thanh toán gói thầu gặp khó khăn.

Dự án đường sắt Bến Thành – Tham Lương đã hoàn tất niêm yết dự thảo phương án bồi thường chi tiết cho người dân, tuy nhiên liên quan đến thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh dự án metro thứ 2 giữa các Bộ còn ý kiến khác nhau.

Dự án đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội đã bàn giao mặt bằng cho nhà thầu để thi công, hiện đang GPMB tại vị trí các ga ngầm, đã triển khai 5/9 gói thầu xây lắp, tuy nhiên công tác GPMB vẫn còn nhiều vướng mắc. Còn dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (Yên Viên – Ngọc Hồi) vốn đối ứng năm 2017 bố trí cho dự án quá thấp (8 tỷ đồng) trong khi nhu cầu dự kiến cần khoảng 350 tỷ đồng nên chưa triển khai GPMB được…

Riêng dự án đường sắt Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo do nằm trong khu vực nhạy cảm, đông dân nên công tác GPMB phức tạp, đặc biệt là tại các ga trung tâm, đến nay vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc triển khai các bước của dự án nên chưa thể tiến hành công tác phê duyệt thiết kế kỹ thuật – dự toán.

Việc giải ngân cho các dự án giao thông trọng điểm đã đạt 93% kế hoạch

Theo Báo cáo, ngành đường bộ có 23 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 489.034 tỷ đồng (gồm 14 dự án đã hoàn thành và 9 dự án đang thực hiện). Đây là ngành giao thông có số lượng dự án trọng điểm nhiều nhất và cũng có tổng mức đầu tư lớn nhất. Số lượng dự án trọng điểm của ngành đường bộ là 23 dự án, cao gấp hơn 7 lần con số 3 dự án trọng điểm của ngành hàng không – ngành có ít dự án trọng điểm nhất.

Ngành đường sắt có 7 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 195.444 tỷ đồng (cả 7 dự án đều đang thực hiện); ngành hàng hải, đường nội thủy có 4 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 49.422 tỷ đồng (đã hoàn thành 3 dự án và đang thực hiện 1 dự án) và ngành hàng không có 3 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 356.416 tỷ đồng (gồm 2 dự án đã hoàn thành và 1 dự án đang thực hiện).

Tổng giá trị giải ngân từ đầu dự án đến nay là 406.427 tỷ đồng theo kế hoạch vốn giao đến hết năm 2017, đạt 93% kế hoạch. Trong đó, ngành đường bộ đã giải ngân được 327.258 tỷ đồng, đạt gần 95% kế hoạch; ngành đường sắt giải ngân được 36.574 tỷ đồng, đạt 85% kế hoạch; ngành hàng hải, đường nội thủy giải ngân được 25.756 tỷ đồng, đạt 87% kế hoạch và ngành hàng không giải ngân được 16.840 tỷ đồng, đạt 92% kế hoạch.

Bộ GTVT cho biết, từ đầu năm đến nay, 3 dự án đã được hoàn thành và thông xe gồm đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện, hầm đường bộ Đèo Cả và đường cao tốc Thái Nguyên – Chợ Mới; hoàn thành 1 dự án thành phần của đường Hồ Chí Minh, đoạn từ Quốc lộ 2 đến Hương Nộn, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 32 đoạn Cổ Tiết – cầu Trung Hà và một phần dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi 65 km đoạn vốn JICA.

Dự án Cảng hàng không Long Thành đã hoàn thành thi tuyển kiến trúc nhà ga và trao giải cho 3 phương án xếp hạng cao nhất; còn dự án cao tốc phía Đông đã trình xin ý kiến Bộ Chính trị về nội dung dự thảo tờ trình Quốc hội.

Từ nay đến cuối năm 2017, kế hoạch đặt ra là hoàn thành dự án Hòa Lạc – Hòa Bình; một số dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống…; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư dự án Cảng hàng không Long Thành; hoàn thành đề án cao tốc Bắc – Nam, trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ IV, Quốc hội khóa XIV; hoàn thiện báo cáo của Chính phủ gửi Đại biểu Quốc hội về việc giải quyết thu hồi sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất và việc mở rộng sân bay này.

Bộ GTVT nhận định, rất nhiều dự án trọng điểm của ngành đường bộ đang bị chậm tiến độ như dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, dự án nâng cấp tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ và một số đoạn tuyến thuộc dự án đường Hồ Chí Minh…

Về các công trình hàng hải, đường nội thủy và công trình hàng không, dự án cảng Lạch Huyện đang cần bổ sung 800 tỷ vốn nước ngoài và 150 tỷ đồng vốn đối ứng để đảm bảo tiến độ thi công đến hết năm 2017. Dự án sân bay Long Thành đã được bố trí 5.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cho công tác GPMB và mới đáp ứng được gần 22% nhu cầu – đây mới là tổng mức đầu tư dự kiến chưa chính thức.

du an duong sat cat linh ha dong vuong van de phap ly khi vay trung quoc them gan 251 trieu usd Cả 7 dự án giao thông trọng điểm của ngành đường sắt đều đang thực hiện dở dang

Đường bộ có 23 dự án với tổng mức đầu tư 509.296 tỷ đồng, đứng đầu danh mục cả về số lượng dự án và ...


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

N.Lê

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.