|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dự án đường sắt 7.000 tỉ dang dở: Bộ Giao thông muốn xã hội hoá

18:12 | 11/08/2019
Chia sẻ
Bộ Giao thông Vận tải mới đây đã trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Hải Dương về Dự án đường sắt Phả Lại - Hạ Long đã triển khai 15 năm nhưng đang dừng thi công, gây nhiều hệ luỵ do chia cắt hệ thống đường giao thông, kênh mương nội đồng, chia rộng ô thửa lớn thành thửa nhỏ…
vn

Dự án đường sắt Phả Lại - Hạ Long đã triển khai 15 năm nhưng đang dừng thi công, gây nhiều hệ luỵ.

Cử tri Hải Dương đề nghị sớm khôi phục lại dự án hoàn thành trong thời gian sớm nhất hoặc nếu dừng thì hoàn trả lại mặt bằng để nhân dân ổn định cuộc sống.

Về vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải cho biết: Dự án Tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư từ năm 2004 và được chia thành 4 tiểu dự án vận hành độc lập.

Trong đó các tiểu dự án Lim - Phả Lại và Phả Lại - Hạ Long trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã cơ bản đền bù, giải phóng mặt bằng và thi công phần nền đường, các công trình trên tuyến cầu, cống, hầm chui....

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Dự án, căn cứ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, Dự án đã bị tạm dừng dãn tiến độ và chỉ thực hiện đến điểm dừng kỹ thuật trong phạm vi vốn đã được bố trí. Vì vậy, đến nay dự án chưa hoàn thành như ý kiến của cử tri đã nêu.

Vừa qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai rà soát, đánh giá tổng thể về dự án.

Theo kết quả rà soát của tư vấn cho thấy, Dự án sẽ không phát huy được hiệu quả nguồn vốn đã được đầu tư và tiếp tục có những thiệt hại nhất định.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực đầu tư khó khăn như hiện nay, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chỉ tập trung cho một số dự án cấp bách để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường sắt Hà Nội - Tp.HCM hiện có.

Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét nghiên cứu, kêu gọi để tiếp tục đầu tư theo hình thức xã hội hóa đối với các hạng mục còn lại để hoàn thành Dự án theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt.

Đồng thời, hiện nay Bộ cũng đang rà soát danh mục dự án trong đó có dự án này để xem xét, đề xuất đầu tư trong giai đoạn tới khi cân đối được nguồn vốn.

"Như vậy, khi có nhà đầu tư quan tâm hoặc được cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn ngân sách để triển khai, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với địa phương để tiếp tục thực hiện Dự án", Bộ Giao thông Vận tải khẳng định.

Dự án Tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư tại Văn bản số 75/CP-CN ngày 9/1/2004 với tổng chiều dài 131 km trong đó có 43 km xây dựng mới và 88 km cải tạo, nâng cấp đường cũ; điểm đầu Dự án từ tim ga Yên Viên và điểm cuối là bãi xếp dỡ của cảng Cái Lân. Dự án được chia thành 4 tiểu dự án thành phần, vận hành độc lập.

Tổng mức đầu tư dự án 7.665 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Dự kiến hoàn thành năm 2011 nhưng trên thực tế, dự án vẫn dang dở và bị tạm đình hoãn theo chủ trương cắt giảm đầu tư công tại Nghị quyết số 11/2011/NQ-CP của Chính phủ. Cho đến nay, nhiều hạng mục của dự án đã nhuốm màu rêu.

Trong suốt 9 năm qua, Bộ Giao thông Vận tải nhiều lần cố gắng làm "sống lại" Dự án với việc kiến nghị Chính phủ tái cấp vốn đầu tư cho công trình, hoặc cho phép kêu gọi đầu tư hoàn thành các đoạn dang dở bằng nguồn vốn đầu tư tư nhân.

Theo tính toán mới nhất của Bộ Giao thông Vận tải, để dự án có thể tiếp tục, cần thêm 6.000 tỷ đồng bên cạnh 4.556 tỷ đã được bố trí. Như vậy, để hoàn thành dự án, tổng mức đầu tư đã "đội" lên thành 10.556 tỷ đồng so với 7.665 tỷ được phê duyệt năm 2004. Lý do tăng là thay đổi về giá nguyên vật liệu, nhân công, kinh phí giải phóng mặt bằng...

Tuy nhiên, đây là khoản kinh phí quá lớn, vượt khả năng cân đối vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Kiều Linh