|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dự án cấp bách bị bỏ quên: 8 tỷ đồng ngân sách có nguy cơ... hóa khói

22:30 | 09/11/2016
Chia sẻ
Dự án chống biến đổi khí hậu được UBND tỉnh Ninh Bình xác định là “cần thiết”, “cấp bách”, “trọng điểm”, “ưu tiên”. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục. Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã ra quyết định đầu tư, chi gần 8 tỷ đồng vốn đối ứng thực hiện. Nhưng bất ngờ, dự án bị loại khỏi tờ trình mới đây nhất. Nguy cơ 8 tỷ đồng vốn đối ứng từ ngân sách rơi vào... lãng phí nghiêm trọng.
du an cap bach bi bo quen 8 ty dong ngan sach co nguy co hoa khoi
Cống thôn Năm cũ kỹ. Dự án cấp bách đang triển khai bị dừng đột ngột. Hàng tỉ đồng ngân sách có nguy cơ ném cống. Ảnh: X.H

Dự án cấp bách, trọng điểm, ưu tiên…

Dự án củng cố, nâng cấp hệ thống sông trục từ cống thôn Năm đến cống Đọ và các công trình trên tuyến nhằm ứng phó với nước biển dâng và xâm nhập mặn huyện Yên Khánh (Ninh Bình) có ý nghĩa rất lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của 6.000 hộ tại xã Khánh Thiện và một phần xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh với diện tích đất tự nhiên khoảng trên 1.000ha; ứng phó nước biển dâng, xâm nhập mặn… Cống thôn Năm được xây dựng từ những năm 1968, đến nay hầu như không còn khả năng ngăn mặn mỗi khi triều lên chảy vào đồng ruộng qua sông Đáy cũng như giữ ngọt cho sản xuất nông nghiệp.

Anh Phạm Văn Toàn (thôn 1 xã Khánh Thiện, Yên Khánh) nói: “Do hệ thống ngăn mặn giữ ngọt hầu như không hoạt động, hệ thống sông trục lâu ngày không cải tạo ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp. Trước kia mỗi sào (360m2) còn thu hoạch được hơn 2 tạ lúa, bây giờ đất nhiễm mặn chỉ còn chưa được 1 tạ”.

Bà Lê Thị Đôi - phụ trách khuyến nông UBND xã Khánh Thiện cho hay: “Cả xã tôi sa sút vì xâm nhập mặn. Đồng ruộng ngày càng chai đất, lúa bạc màu, vàng lá khắp đồng, năng suất giảm trông thấy, làm ruộng ngày càng khổ”. Theo bà Đôi, lãnh đạo và nhân dân xã rất mừng khi nghe có dự án nhưng chờ mãi chẳng thấy. Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Xuân Tuyển - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh cho hay, cán bộ, nhân dân huyện rất mừng khi các cấp đã quan tâm bố trí đầu tư dự án này. “Đây là dự án rất quan trọng cho phát triển nông nghiệp địa phương” - ông Tuyển nói. Vậy nhưng, dự án chỉ khởi động rồi… bất động 4 năm qua.

… nhưng lại bị loại khỏi danh mục đầu tư

Trước sự cấp bách này, trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành liên quan, chủ trì là Bộ TNMT, ngày 19/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn hoả tốc số 1443/TTg-QHQT phê duyệt danh mục dự án ưu tiên thuộc Chương trình SP-RCC (Chương trình chống biến đổi khí hậu), trong đó có dự án trên ở Ninh Bình. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 23.7.2013, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã ra QĐ số 524/QĐ-UBND phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư 172,9 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách tỉnh gần 8 tỷ đồng.

UBND tỉnh Ninh Bình xác định đây là dự án trọng điểm, cấp bách nên đã bố trí ngay vốn đối ứng triển khai khảo sát, đấu thầu và tất cả các bước ban đầu, chỉ chờ có vốn từ Chương trình SP-RCC là triển khai. Vậy nhưng từ tháng 7.2013 đến nay, dự án vẫn giậm chân tại chỗ vì chưa có kinh phí. Sốt ruột, UBND tỉnh Ninh Bình đã có nhiều công văn đề nghị bố trí vốn thực hiện dự án. Theo đó, ngày 1/2/2016, UBND tỉnh đã có công văn số 56/UBND -VP4 gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ KHĐT, TNMT, Tài chính, NNPTNT đề nghị cấp kinh phí thực hiện dự án. Ngày 5/8/2016, UBND tỉnh này tiếp tục có văn bản đề xuất tương tự, đồng thời nhấn mạnh “ưu tiên” cấp kinh phí cho dự án.

Trao đổi với P.V, ông Tống Văn Thịnh - Giám đốc BQLDA cơ sở hạ tầng, Sở NNPTNT Ninh Bình cho biết tất cả đề nghị của lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đã không nhận được hồi âm. Bỗng nhiên, ngày 29.8.2016, Bộ TNMT có tờ trình số 39/TTr-BTNMT gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị phê duyệt danh mục dự án SP-RCC giai đoạn 2016 - 2020. Theo danh mục này, dự án cấp bách, trọng điểm trên đã bị loại khỏi danh mục. Thay vào đó là 2 dự án khác với số vốn lên tới 648 tỷ đồng.

PV Lao Động hỏi: “Liệu việc thay thế dự án cấp bách, trọng điểm và đang thực hiện dở dang bằng các dự án khác có là một sự bất thường, trái Luật Đầu tư công và làm tăng nợ công không?”, ông Tống Văn Thịnh - GĐ BQLDA cơ sở hạ tầng, Sở NNPTNT Ninh Bình nói: “Tôi khẳng định rằng, dự án đã được duyệt là rất cần thiết, tỉnh sẽ tiếp tục đề xuất thực hiện”. Ông Thịnh cũng cho hay, ông làm nghề thuỷ lợi đã 26 năm, thực hiện rất nhiều dự án nhưng chưa bao giờ thấy việc một dự án với rất nhiều tính từ khẳng định như: Cần thiết, cấp bách, trọng điểm, ưu tiên và đã được Thủ tướng duyệt, UBND tỉnh ra quyết định, ngân sách đã bỏ ra nhiều tỷ đồng, đang thực hiện rồi lại… bỏ đi. “Đó là sự bất thường!” - ông Thịnh nói.

Xuân Hùng

Những người thuộc nhóm 0,001% giàu nhất thế giới đầu tư vào đâu?
Danh mục đầu tư của những cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao rất khác với người thường. Các chuyên gia cho biết những cá nhân này không lựa chọn tiền mã hóa và cũng ít khi nắm giữ cổ phiếu. Đối với họ, đẳng cấp của một người được xác định bằng cổ phần trong một đội thể thao.