Dự án cao tốc Phan Thiết – Dâu Giây liệu có về 'đích' đúng hạn?
Theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây dài gần 100km phải thông xe kỹ thuật vào ngày 31/12/2022.
Tuy nhiên, đến thời điểm này còn đúng 60 ngày nhưng khối lượng công việc trên công trường còn rất nhiều, theo ghi nhận thực tế trên công trường và ý kiến nhận định của các chuyên gia giao thông, nếu không có những giải pháp đột biến dự án khó có thể "về đích" đúng tiến độ.
Theo báo cáo mới nhất của Ban Quản lý dự án Thăng Long (đơn vị quản lý dư án), mặc dù thời hạn phải hoàn thành công trình đã đến cận kề nhưng công tác giải phóng mặt bằng của dự án vẫn còn vướng mắc khi một số hạ tầng đường điện, đường viễn thông, đường ống nước chưa di dời.
Giá trị sản lượng của toàn dự án đến hết ngày 31/10/2022 mới đạt 62,36%; trong đó, gói thầu 1-XL đạt 62,41%; gói thầu 2-XL đạt 62,17% gói thầu 3-XL đạt 62,71% và gói thầu 4-XL mặt dù trước đó luôn dẫn đầu tiến độ so với các gói nhưng đến nay lại bị chững lại đạt 61,86%.
Bên cạnh các nhà thầu sự bức tiến độ nhanh thời gian qua như Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường tại gói 1-XL, Công ty TNHH Thương mại & Xây dựng Trung Chính tại gói thầu 3-XL đều có sản lượng trên 80% giá trị thì vẫn có nhiều nhà thầu có sản lượng thấp rất đáng báo động.
Cụ thể là Tổng công ty công trình xây dựng giao thông 8 (Cienco 8); Công ty cổ Phần Xây dựng và Thương mại Phúc Lộc tại gói thầu 1-XL có sản lượng lần lượng chỉ đạt 56,31% và 55,78%. Tại gói 2-XL, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành đạt 57,46%, tại gói thầu 3- XL, Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) mới đạt 56,67%; gói 4-XL, Tổng công ty công trình xây dựng giao thông 6 (Cienco 6) mới đạt 60,76%.
Để đẩy nhanh tiến đọ, đại diện Ban Điều hành dự án cao tốc Phan Thiết – Dâu Giây cho biết, đã có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận; UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan liên quan của địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật.
Ngoài ra, Ban Quản lý dự án Thăng Long đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét chỉ đạo các cơ quan có liên quan sớm triển khai công tác lựa chọn nhà đầu tư phần thu phí để kịp thời gian đưa vào khai thác trước Tết âm lịch năm 2023 tránh tình trạng xe quá tải hoạt động trên cao tốc gây hư hỏng mặt đường;
Đối với các nhà thầu không đáp ứng chất lượng, tiến độ, lãnh đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết, sẽ kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải không cho phép tham gia các dự án tiếp theo do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, một chuyên gia giao thông nhìn nhận với sản lượng còn lại còn gần 38% trong khi quỹ thời gian còn lại khoảng 60 ngày thì khó có thể hoàn thành được khối lượng thi công trên tuyến chính. Tuy nhiên, nhà thầu không thể vì tiến độ mà đẩy nhanh thi công sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công trình sau này.
Dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đi qua địa phận tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai tổng kinh phí đầu tư hơn 12.577 tỷ đồng, là một dự án duy nhất trong tổng 11 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017-2020 được đầu tư đồng bộ chuẩn cao tốc với tốc độ khai thác lên đến 120km/h.
Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, cao tốc Bắc Nam đoạn đi qua Bình Thuận và Đồng Nai sau khi hoàn thành sẽ kết nối với cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, sân bay quốc tế Long Thành và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần tạo đòn bẩy cho địa phương này phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc hoàn thành sớm dự án có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.