|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dự án cao tốc BOT Trung Lương - Mỹ Thuận: Vì sao ngân hàng chưa giải ngân?

07:46 | 29/07/2019
Chia sẻ
Một trong những nguyên nhân khiến chủ đầu tư dự án CTCP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã họp với UBND tỉnh Tiền Giang và các nhà thầu để tính đến phương án xấu nhất tạm dừng dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận là do thiếu vốn, vì NH đã ký hợp đồng tín dụng nhưng không giải ngân.
trung-luong-my-thuan_yflv

Thi công trên công trường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Theo thông tin từ cuộc họp tháng 6-2018, chủ đầu tư đã ký được hợp đồng tín dụng vay 6.850 tỷ đồng của 4 NH. Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, NH vẫn chưa giải ngân do lãi suất vốn vay trong phương án tài chính 7,82%/năm, trong khi lãi suất hợp đồng tín dụng đã ký với NH 10,8%/năm. 

Trao đổi với ĐTTC về vấn đề này, TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính NH nhận định:

Việc chủ đầu tư đưa ra lãi suất vốn vay trong phương án tài chính 7,82%/năm dựa trên các tính toán giả định. Tuy nhiên, khi đi vay vốn thực tế, lãi suất NH áp dụng trên hợp đồng tín dụng 10,8%/năm. Như vậy, lãi suất giữa hợp đồng tín dụng và lãi suất vốn vay trong phương án tài chính của doanh nghiệp có sự khác biệt.

Trong trường hợp có sự khác biệt như vậy, ngay từ lúc NH quyết định cho vay phải biết điều này. Vì trước khi ký hợp đồng tín dụng, NH phải nghiên cứu thẩm định lại phương án tài chính, phương án kinh doanh có khả thi hay không.

Nếu NH vẫn ký hợp đồng tín dụng với chủ đầu tư, sau đó không thể lấy vấn đề chênh lệch lãi suất trong phương án kinh doanh và lãi suất trong hợp đồng tín dụng làm lý do không giải ngân, ngoại trừ chủ đầu tư không đáp ứng được những yêu cầu khác.

PHÓNG VIÊN: - Theo thông tin được đưa ra trong cuộc họp, các NH bổ sung điều kiện vốn ngân sách hỗ trợ dự án tối thiểu phải đạt 20,5% tổng mức đầu tư, và vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư phải đạt 30%, cao hơn mức 10-15% với các dự án BOT hiện nay. Ông bình luận gì về điều này?

TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - NH có thể đưa ra lý do để yêu cầu chủ đầu tư phải đáp ứng các điều kiện vay vốn. Tuy nhiên, khi ký hợp đồng tín dụng 2 bên đã phải thỏa thuận và đồng ý với nhau về phần vốn ngân sách, cũng như vốn chủ sở hữu trong dự án đó là bao nhiêu.

Nếu bên đi vay vẫn tuân thủ quy định đó, không lý do gì NH không giải ngân. NH cũng không thể thay đổi điều kiện đó giữa chừng. Nếu đơn phương thay đổi điều kiện về vay vốn và dựa vào đó để quyết định việc giải ngân là không hợp lý, trừ trường hợp 2 bên đã đồng ý với nhau để nâng vốn chủ sở hữu hoặc vốn ngân sách lên.

Trong trường hợp này, việc NH không giải ngân có thể do họ nhìn thấy rủi ro nên yêu cầu chủ đầu tư đáp ứng phần vốn chủ sở hữu và vốn ngân sách như vậy. Nhưng để làm rõ vấn đề, cần phải xem xét lại các điều kiện trong hợp đồng tín dụng đã ký.

Đối với vụ việc này, theo ông nên giải quyết như thế nào?

Trong trường hợp môi trường kinh doanh, môi trường tài chính (điều kiện vĩ mô, lãi suất) thay đổi, hay những cam kết, những quy định cũ không phù hợp nữa, người đi vay và NH cần phải ngồi lại với nhau để tìm giải pháp chung.

Hoạt động cấp tín dụng dài hạn trên thị trường quốc tế đều có những quy định được gọi là quy ước, mà 2 bên đồng thuận với nhau trong thời gian bảo hành và họ phải tuân thủ những quy ước đó, không thể đơn phương thay đổi nếu không có lý do chính đáng.

Nếu NH cảm thấy bất lợi hoặc thấy bên vay vốn chưa đáp ứng được yêu cầu, phải thương thảo với chủ đầu tư để đi đến một thỏa thuận mới.

NHNN đang siết tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông vì việc cấp tín dụng đối với loại dự án này tiềm ẩn rủi ro trong dài hạn. Liệu điều này có phải là nguyên nhân dẫn đến việc NH thận trọng rót vốn vào các dự án BOT hiện nay, thưa ông?

Cho vay BOT rủi ro vì các dự án có tổng mức đầu tư lớn, thời gian cho vay dài, năng lực tài chính của chủ đầu tư hạn chế. Tài sản bảo đảm chủ yếu trong các dự án BOT, BT là quyền thu phí, trong khi chính sách phí chưa thực sự ổn định, nguy cơ chuyển nợ sang nhóm nợ xấu rất lớn.

Đáng chú ý hơn, những dự án BOT có khả năng vượt ra ngoài dự báo tài chính, ngân sách và đội vốn lên. Đã có rất nhiều dự án BOT đội vốn, gây rủi ro cho các NHTM, nên NHNN đã siết lại vấn đề cho vay BOT.

Dù vậy, rất nhiều chủ đầu tư dự án BOT vẫn phải dựa vào vốn NH, vì bản thân họ chỉ có thể cung cấp vốn mồi (vốn chủ sở hữu), đó là vốn đầu, còn vốn sau phải là vốn của NH. Do vậy các NHTM cũng thận trọng thẩm định các dự án trước khi quyết định cho vay để tránh những rủi ro về sau.

Xin cảm ơn ông.


Thủ tướng Chính phủ:

Sẽ bố trí đủ vốn cho cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận

Cuối tuần qua, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ tiến hành cuộc họp nhằm thúc đẩy một số dự án hạ tầng, qua đó gỡ điểm nghẽn cho sự phát triển của các địa phương.

Thủ tướng nhấn mạnh, cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận phải được cơ bản thông xe trong năm 2020 và khánh thành vào đầu năm 2021. Thủ tướng khẳng định sẽ bố trí đủ nguồn vốn cho công trình này và giao Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải và Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang chịu trách nhiệm trước Thủ tướng cũng như 20 triệu người dân ĐBSCL về vấn đề này.

Tổng vốn đầu tư tăng, phương án tài chính thay đổi

Theo nguồn tin của ĐTTC, dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận được đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư, với sự tham gia của vốn ngân sách, vốn tư nhân và vốn vay NH. 

Phương án tài chính đã được ký giữa CTCP BOT Trung Lương-Mỹ Thuận và Bộ Giao thông-Vận tải vào năm 2016. Tháng 6-2018, dự án được 4 NH ký hợp đồng tín dụng đồng tài trợ cho vay tối đa 6.850 tỷ đồng, chiếm 70% tổng mức đầu tư. 

Tỷ lệ vốn tự có tham gia vào dự án là 30%/tổng mức đầu tư. Một TCTD khác thu xếp phần thuế VAT.

Nhưng sau đó, phương án tài chính liên quan đến dòng tiền trả nợ của dự án này đã có sự thay đổi. 

Đồng thời, dự kiến tổng mức đầu tư đã được điều chỉnh từ 10.500 tỷ đồng lên 12.550 tỷ đồng (sau VAT), tăng khoảng 19,5% so với tổng mức đầu tư được các TCTD thẩm định. Điều này buộc số tiền tham gia dự án của các bên cũng phải tăng tương ứng. 

Với tổng mức đầu tư tăng và phương án tài chính thay đổi, các NH cho rằng dự án vẫn còn thiếu hụt nguồn tiền trả nợ, và nếu vốn chủ sở hữu giữ nguyên như cam kết ban đầu chỉ mới đạt 25% tổng mức đầu tư dự kiến đã điều chỉnh, chưa đạt được thỏa thuận 30% đã ký.

Yên Lam