DSC: Kinh tế Việt Nam đang ở điểm cuối trong chu kỳ suy thoái
Trong báo cáo vừa công bố, Chứng khoán DSC cho rằng ở thời điểm hiện tại, các chỉ báo của Việt Nam đều cho thấy nền kinh tế đang ở cuối pha suy thoái trong chu kỳ kinh tế.
Cụ thể, PMI bắt đầu mở rộng sau khoảng thời gian dài co hẹp, tăng trên ngưỡng 50 điểm lần đầu trong 6 tháng. Với kết quả 50,5 - tăng so với mức 48,7 của tháng 7, cho thấy các điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất đã cải thiện nhẹ.
Tăng trưởng tín dụng vẫn rất yếu so với cùng kỳ năm trước (từ 9,62% tại tháng 8/2022 xuống 5,2% trong tháng 8 này). Ngoài ra, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng lớn ở mức xấp xỉ 100%. Tính hết quý I, tỷ lệ nợ xấu bình quân trên tổng dư nợ cho vay khoảng 2.9%, tăng từ mức bình quân 2% hồi đầu năm.
Một chỉ báo khác là nguồn vốn FDI khởi sắc nhất kể từ đầu năm. Lũy kế 8 tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam đạt 18,15 tỷ USD, (tăng 8,2% so với cùng kỳ). Xét về mặt giải ngân, FDI thực hiện đạt 13,1 tỷ USD (tăng 1,3% so với cùng kỳ).
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao nhất trong 12 tháng; du lịch phục hồi tốt; doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đã phục hồi tương đương mức đỉnh đạt được giai đoạn quý IV/2022.
Tiến độ giải ngân đầu tư công tốt, đạt 42,1% kế hoạch Chính phủ giao và cao hơn so với cùng kỳ năm 2022.
Theo DSC, nền kinh tế Việt Nam hiện đã có độ mở lớn và sẽ không tránh khỏi vận động theo chu kỳ của nền kinh tế thế giới. Hiện tại, nền kinh tế phương Tây tuy trụ vững hơn kỳ vọng nhưng chưa phục hồi. Nền kinh tế Trung Quốc phục hồi yếu. Các chính sách hỗ trợ được ban hành chưa phát huy nhiều tác dụng (như giảm lãi suất nhưng không có tăng trưởng tín dụng). Do đó, DSC đánh giá nền kinh tế Việt Nam vẫn đang ở điểm cuối trong chu kỳ suy thoái.
Với kỳ vọng du lịch tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, gia tăng nhu cầu tiêu dùng nội địa, các chính sách hỗ trợ sẽ trở thành bệ đỡ cho nền kinh tế, Trung Quốc sẽ bắt đầu hồi phục tốt hơn từ quý IV/2023, DSC duy trì kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục có sự phục hồi từ quý IV/2023.
Nói thêm về xuất nhập khẩu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 8 đạt 60,92 tỷ USD (tăng 6,7% so với tháng trước và giảm 7,9% so với cùng kỳ). Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 12 tháng trở lại.
Trong đó, xuất khẩu đạt 32,37 tỷ USD (tăng 7,7% so với tháng trước và giảm 7,6% so với cùng kỳ).
Nhập khẩu đạt 28,55 tỷ USD (tăng 5,7% so với tháng trước và giảm 8,3% so với cùng kỳ). Như vậy, cán cân thương mại tháng 8 tiếp tục nghiêng về xuất siêu với 3,82 tỷ USD (tăng 24% so với tháng trước); lũy kế từ đầu năm xuất siêu đạt 20,19 tỷ USD.
Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa cả nước tháng 8 với kim ngạch đạt 27,68 USD (tăng 7,1% so với tháng trước ).
Điểm sáng, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện tăng tới 16.8%; đây được xem là thành tựu trong thu hút đầu tư nước ngoài với cơ sở sản xuất của các hãng công nghệ lớn như Samsung, LG, Foxconn… được xây dựng tại Việt Nam.
Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu một số một số ngành hàng như: dệt may, thủy sản, hồ tiêu, gỗ, da giầy... đã thu hẹp đà giảm đáng kể do dần lấy lại đơn hàng.
Đáng chú ý, xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU đã thu hẹp đà giảm đáng kể trong tháng 8 nhờ xu hướng lạm phát hạ nhiệt và tồn kho giảm dần; lần lượt đạt 9,27 tỷ USD (giảm 6,6% so với cùng kỳ) và 9,78 tỷ USD (giảm 5,4% so với cùng kỳ).
DSC cho rằng, nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu chính vẫn yếu nhưng đang dần phục hồi tích cực hơn trong tháng 8.
Ngoài ra, các yếu tỗ hỗ trợ như bạn hàng Trung Quốc có động thái hạ lãi suất để vực dậy nền kinh tế, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa thường tăng cao vào dịp lễ cuối năm, và chuyến thăm hợp tác giao thương với đối tác lớn; DSC kỳ vọng kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ khởi sắc hơn và có thể tăng trưởng dương trở lại trong những tháng cuối năm.