|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dragon Capital: Lĩnh vực bán lẻ, công nghệ, ngân hàng dự kiến duy trì tăng trưởng ổn định

11:37 | 11/09/2024
Chia sẻ
Dragon Capital nhận định với bối cảnh hiện tại, tâm lý nhà đầu tư thường có xu hướng thận trọng, và chuyển dịch chiến lược đầu tư từ các cổ phiếu vốn hóa nhỏ, sang danh mục với các cổ phiếu vốn hoá lớn và ưu tiên tính bền vững. Công nghệ thông tin, bán lẻ, và ngân hàng được dự báo là các nhóm ngành có thể duy trì đà tăng trưởng ổn định trong nửa cuối năm 2024 và 2025.

Tại báo cáo phân tích tháng 8, Dragon Capital cho rằng nền kinh tế đã khôi phục được đà tăng trưởng trước Covid, đây là thời điểm cân nhắc các mục tiêu cao hơn trong 5-10 năm tới.

Kỳ họp bất thường lần thứ 8, Quốc hội khóa XV đã hoàn tất việc bổ nhiệm các nhân sự cấp cao. Nhiều luật, nghị định và thông tư, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư và doanh nghiệp, đang được sửa đổi nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, với hơn 15 luật sẽ được thông qua tại kỳ họp Quốc hội tháng 10.

Việc áp dụng cơ chế “một luật sửa nhiều luật” có thể giúp giải quyết những vấn đề mà sửa riêng mỗi luật chưa giải quyết được triệt để, đồng thời được kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi tích cực cho kinh tế xã hội Việt Nam trong 5 đến 10 năm tới.

Kinh tế Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng tích cực trong tháng 8. Xuất khẩu đạt kỷ lục mới với giá trị 37,6 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 4,5 tỷ USD, cùng với chỉ số PMI ở mức 52,4 cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục mở rộng và lạc quan.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục chảy vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 8 tháng đạt 20,5 tỷ USD, tăng 7,0% và FDI giải ngân đạt 14,2 tỷ USD, tăng 8,0% so với cùng kỳ. Đầu tư công cũng được đẩy nhanh tiến độ, với giải ngân trong tháng 8 đạt 62.100 tỷ đồng, cao nhất từ đầu năm.

Các dự án bất động sản gặp khó khăn về pháp lý như Vinhomes Cổ Loa và Gem Riverside đã có những tín hiệu tích cực về mặt pháp lý và có thể sớm bắt đầu dự án.

Về mặt chính sách tiền tệ, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,54% so với cùng kỳ, trong khi tỷ giá hối đoái đã phục hồi tích cực từ 25.300 về 24.600 vào đầu tháng 9, nghĩa là VND chỉ giảm giá hơn 1% từ đầu năm, khi USD suy yếu và khả năng cắt giảm lãi suất sắp đến gần.

Lạm phát 8 tháng tăng 4,0% so với cùng kỳ, chưa phải vấn đề đáng lo ngại, và tỷ giá hối đoái đang dần ổn định. Điều này sẽ giảm bớt gánh nặng cho Ngân hàng Nhà nước và giúp cơ quan này tự tin hơn trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% đồng thời duy trì mức lãi suất hỗ trợ.

(Nguồn: Báo cáo phân tích tháng 8 của Dragon Capital).

Về thị trường chứng khoán, VN-Index tăng 2,6% trong tháng 8, ổn định trở lại sau giai đoạn biến động của thị trường toàn cầu trước đó.

Trong khi thị trường tài chính quốc tế hiện đang đối mặt với nhiều bất định, hiệu suất đầu tư của VN-Index sẽ phụ thuộc vào các động lực tăng trưởng trong nước, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, để bù đắp lại xu hướng tăng trưởng đang chậm lại của các nền kinh tế lớn.

Với bối cảnh hiện tại, tâm lý nhà đầu tư thường có xu hướng thận trọng, và chuyển dịch chiến lược đầu tư từ các cổ phiếu vốn hóa nhỏ, sang danh mục với các cổ phiếu vốn hoá lớn và ưu tiên tính bền vững.

Các chuyên gia nhận định công nghệ thông tin, bán lẻ, và ngân hàng là nhóm ngành có thể duy trì đà tăng trưởng ổn định trong nửa cuối năm 2024 và 2025.

Chiến lược đầu tư cân bằng và hạn chế mức định giá cao sẽ giúp giảm thiểu rủi ro từ thị trường quốc tế và tận dụng cơ hội tăng trưởng trong nước. Thêm vào đó, thông tư về non-prefunding (ký quỹ trước giao dịch) dự kiến sẽ được ban hành trong tháng 9 mở ra cơ hội thu hút luồng vốn mới vào thị trường.

Xuân Nghĩa