Dow Jones tiếp tục tăng hơn 300 điểm trong khi chờ phát biểu của Chủ tịch Fed
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng gần 323 điểm, tương đương 0,98%, và kết phiên ở sát 33.292 điểm. S&P 500 và Nasdaq Composite đi lên tương ứng 1,41% và 1,67%, đóng cửa ở lần lượt 4.199 điểm và 12.639 điểm.
Tuy đã tăng hai phiên liên tiếp nhưng các chỉ số hiện nay vẫn thấp hơn so với cuối tuần trước, Dow Jones giảm 1,23%, S&P 500 và Nasdaq kém lần lượt 0,69% và 0,52%.
Theo CNBC, cổ phiếu vật liệu, dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin đi lên vượt trội hơn các nhóm khác trong chỉ số S&P 500. Cổ phiếu tiêu dùng thiết yếu tăng ít nhất.
Nhà đầu tư sẽ tập trung theo dõi bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tại hội nghị kinh tế Jackson Hole ngày 26/8 để tìm kiếm thêm thông tin về định hướng chính sách tiền tệ trong bối cảnh lạm phát đang ở mức cao 8-9%.
CNBC dẫn lời bà Liz Young, Giám đốc Chiến lược đầu tư tại công ty dịch vụ tài chính SoFi, nhận định: “Thị trường đang cố đánh giá xem chúng ta đang ở giữa hay ở cuối chu kỳ nâng lãi suất. Tất cả đều đang đợi xem chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày mai khi ông Jerome Powell phát biểu, hiện chúng ta đều bế tắc và không rõ phương hướng”.
Bà Karen Firestone, Chủ tịch kiêm CEO của công ty quản lý tài sản Aureus Asset Management, cho rằng việc Chủ tịch Fed nói gì ở Jackson Hole không quan trọng, điều quan trọng là lạm phát biến động ra sao.
“Nếu chúng ta thấy rõ rằng lạm phát đã ăn sâu vào nền kinh tế và tỷ lệ hiện nay là khoảng 9% thì sẽ không có ai vui vẻ được cả”, bà Firestone chia sẻ trên kênh CNBC. “Dù Fed có nói là nâng lãi suất 50, 75 hay 100 điểm cơ bản cũng không quan trọng, lạm phát cao như vậy là không tốt cho cổ phiếu, nhất là nhóm cổ phiếu tăng trưởng”.
Bà hy vọng rằng các số liệu lạm phát tới đây sẽ cho thấy 4 đợt nâng lãi suất của Fed trong 7 tháng đầu năm nay đã phát huy tác dụng kìm hãm đà tăng giá cả.
“Chúng ta sẽ cần thấy bằng chứng. Nếu không, Mỹ sẽ phải chịu lạm phát quá cao trong thời gian quá dài, và tình trạng này không tốt cho thị trường cổ phiếu”, Chủ tịch Aureus Asset Management nói.
Ngoài phát biểu của Chủ tich Fed, một thông tin đáng chú ý nữa trong ngày 26/8 là chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 7 sẽ được công bố. PCE là thước đo lạm phát ưa thích của Fed và có thể tác động đáng kể tới chính sách tiền tệ trong tương lai.
Nhà đầu tư đang cố đoán xem Fed đang ở giữa hay cuối chu kỳ thắt chặt tiền tệ để dự báo khi nào các đợt tăng lãi suất sẽ kết thúc.
Theo số liệu do Cục Thống kê Lao động công bố hôm 25/8, số người xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước (kết thúc ngày 20/8) là 243.000, giảm 2.000 so với con số đã hiệu chỉnh của tuần trước đó và thấp hơn so với mức 255.000 mà StreetAccount ước tính.
Ông Tony Crescenzi, nhà quản lý danh mục tại Pimco, cho rằng Fed sẽ cần phải nâng lãi suất mạnh tay hơn, kể cả khi lạm phát đã bắt đầu giảm xuống. Ông Crescenzi muốn thấy Mỹ có lãi suất thực dương, tức là mặt bằng lãi suất phải cao hơn tỷ lệ lạm phát.
Hiện nay, lãi suất quỹ liên bang của Mỹ đang ở khoảng 2,25 – 2,5% trong khi tỷ lệ lạm phát so với năm trước là 8,5 – 9%.
Ông James Bullard, Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis cho rằng việc quan trọng cần làm là đưa lạm phát hướng về ngưỡng 2%.