|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đột phá từ thành phố phía đông

07:23 | 25/05/2020
Chia sẻ
Thành phố phía Đông được kì vọng sẽ giúp chuyển đổi cơ cấu kinh tế TP HCM theo hướng tri thức, sáng tạo, công nghệ...
Đột phá từ thành phố phía đông - Ảnh 1.

Khu vực phía đông TP.HCM được đầu tư khá bài bản về hạ tầng, cơ sở vật chất để có thể thành lập thành phố phía đông. ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi làm việc mới đây đã bày tỏ ủng hộ đề xuất của TP.HCM về khu đô thị sáng tạo phía đông, một thành phố trong thành phố để “đầu tàu kinh tế” của cả nước có cơ hội đột phá trong tăng trưởng và phát triển.

Đóng góp 30% GDP của TP.HCM

Sở Nội vụ TP.HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP về phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn TP giai đoạn 2019 - 2021. Trong đó có bổ sung việc sáp nhập 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức để hình thành đơn vị hành chính là thành phố (TP) trực thuộc TP.HCM (tạm gọi là TP phía đông).

Việc sáp nhập 3 quận ở phía đông là để xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông TP nhằm phát huy những lợi thế về vị trí mang tính cửa ngõ, các hạ tầng dịch vụ sẵn có như các khu đại học (đào tạo bậc cao), Khu công nghệ cao (sản xuất tiên tiến), Khu đô thị mới Thủ Thiêm (trung tâm tài chính và kinh doanh) và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung đã và đang được hoàn thiện như xa lộ Hà Nội, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, đường Phạm Văn Đồng...

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhận định, động lực kinh tế của TP.HCM cho 10 năm tới chính là khu đô thị sáng tạo phía đông của TP. Đây là trung tâm lớn nhất về công nghệ cao, về đào tạo nhân lực trình độ đại học với 15 trường đại học, hàng trăm ngàn sinh viên.

Khi được thành lập, TP phía đông dự báo sẽ đóng góp khoảng 30% GDP của TP.HCM, tương đương mức GDP của nhiều tỉnh khác cộng lại và sẽ là “quả đấm kinh tế” của TP.HCM. Chính vì vậy, UBND TP đã có kiến nghị Thủ tướng cho phép xây dựng đề án thành lập TP trực thuộc TP.HCM nhằm hình thành và phát triển khu đô thị nêu trên.

Dự kiến, TP phía đông sẽ có diện tích tự nhiên 211,5 km2, quy mô dân số hơn 1,1 triệu người. TP.HCM sẽ là địa phương đầu tiên của cả nước có mô hình TP thuộc TP trực thuộc T.Ư.

Đột phá từ thành phố phía đông - Ảnh 2.

Đồ họa: Hồng Sơn

“Bệ phóng” cho đầu tàu kinh tế

Nguyên một lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cho rằng, việc xây dựng, quy hoạch một đô thị, khu trung tâm tài chính, kinh tế tại khu vực phía đông sẽ làm thay đổi bộ mặt đô thị của toàn TP.HCM.

Tuy về hình dáng, tổ chức không gian, cảnh quan đô thị vẫn phải theo nguyên tắc quy hoạch đô thị nhưng với tiêu chí tiếp cận giải pháp đô thị thông minh 4.0, tất cả công trình sẽ phải đạt đến trình độ thuận tiện cao nhất, giúp thay đổi mọi hoạt động, nâng cấp chất lượng cuộc sống của người dân.

“Chọn vùng đất phía đông là rất phù hợp vì khu vực này chưa phải đô thị cải tạo mà hiện là đô thị đang phát triển, còn nhiều dư địa, nhiều điều kiện để hạ tầng được xây dựng ngay từ đầu”, vị này nói.

Đồng tình, kiến trúc sư (KTS) Khương Văn Mười, Phó chủ tịch Hội KTS VN, đánh giá việc lãnh đạo TP.HCM quyết định hình thành yếu tố thông minh trong quá trình phát triển TP.HCM là rất phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và tạo tính cạnh tranh với các đô thị khác trong khu vực.

KTS Mười phân tích, khu vực phía đông là mảnh đất thích hợp nhất để hình thành khu đô thị thông minh vì hội tụ đủ các yếu tố về địa hình đất, vị trí thuận lợi. Cụ thể, khu Đông nằm giữa 2 sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Long Thành, gần tuyến đường sắt Bắc - Nam và đường Vành đai 3 kết nối TP.HCM với các tỉnh thành lân cận.

Bên cạnh đó, quần thể các trường đại học thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM, Khu công nghệ cao cũng là nơi cung cấp “kho tàng” tri thức lớn từ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, sinh viên trình độ cao...

“Khu đô thị này hình thành sẽ là động lực để thúc đẩy phát triển, thúc đẩy cả trình độ con người, nâng cao đời sống, tri thức của người dân TP. Đồng thời giúp chuyển dịch cơ cấu dân số, giải quyết bài toán giãn dân, giảm áp lực lớn đối với hạ tầng giao thông TP hiện nay. Đây là bệ phóng giúp TP.HCM tăng sức cạnh tranh lớn về mọi mặt trên trường quốc tế”, ông Mười nhấn mạnh.

Mở rộng địa giới ra Đồng Nai ?

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nên mở rộng TP phía đông của TP.HCM một phần sang H.Long Thành và Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai để có dư địa phát triển. Không những thế, sân bay Long Thành cũng nên sáp nhập vào TP phía đông này bởi một sân bay tầm quốc tế không thể để một tỉnh quản lý. TP nên xin cơ chế sáp nhập một phần H.Long Thành và toàn H.Nhơn Trạch vào TP phía đông.

Ủng hộ đề án thành lập TP phía đông, song KTS Ngô Viết Nam Sơn lưu ý cần xây dựng một bản quy hoạch hoàn chỉnh, chi tiết cho TP mới này. Đề bài quy hoạch cần giải quyết 3 vấn đề cốt lõi: Trung tâm đô thị nằm ở đâu? Hệ thống giao thông riêng, giao thông kết nối đô thị như thế nào? Và việc quy hoạch đô thị mới phải là động lực để chỉnh trang khu đô thị hiện hữu.

Ông Nam Sơn phân tích: Muốn xây dựng một TP, phải xác định trung tâm đô thị ở đâu, làm thế nào phát triển khu trung tâm này để làm nền móng vững chắc, đẩy sức bật tới các khu vực lân cận, tránh đầu tư dàn trải, vừa không đủ nguồn lực, vừa kém hiệu quả. Bên cạnh đó, nếu TP phía đông không xây dựng hệ thống giao thông riêng kết nối đô thị, thì mạng lưới đường cao tốc, đường vành đai... sẽ nhanh chóng quá tải.

“Năm ngoái chúng ta tổ chức thi tuyển ý tưởng quy hoạch phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông TP.HCM, đề bài chủ yếu tập trung tìm kiếm sáng kiến sử dụng 6 khu “đất vàng” phía đông.

Nếu được Thủ tướng phê duyệt đề án xây dựng khu đô thị mới, cần một bản quy hoạch với đề bài chi tiết, phức tạp hơn gấp 10 lần. Khu Đông TP.HCM đang quy hoạch vụn vặt, nhiều dự án con.

Nếu chỉ bó hẹp quy hoạch trong khu Đông, không phủ sang bờ bên kia sông phía tây (khu vực Q.1, một phần Q.Bình Thạnh và một phần Q.4) sẽ không thể phát triển Thủ Thiêm, giảm sức hút đối với các nhà đầu tư, dẫn đến việc thực hiện bế tắc hoặc không hiệu quả.

Cần phải có một bản quy hoạch duy nhất, cả phía tây và phía đông TP, không cắt ra. Nếu không sửa sai sớm, Thủ Thiêm nói riêng cũng như khu vực phía đông nói chung sẽ sớm biến thành đô thị phòng ngủ, toàn chung cư, không thấy trung tâm tài chính đúng nghĩa”, KTS Nam Sơn cảnh báo.

Đình Sơn