|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đợt dịch COVID-19 thứ ba làm suy giảm đà phục hồi thị trường lao động, hơn 500.000 người mất việc trong quý I

12:08 | 16/04/2021
Chia sẻ
Trong quý I/2021, cả nước có 9,1 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Lực lượng lao động giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Tổng cục Thống kê đánh giá đợt bùng dịch thứ ba đã làm suy giảm đà phục hồi của thị trường lao động đã đạt được trong 2 quý cuối năm 2020.

Tổng cục Thống kê sáng 16/4 công bố báo cáo tác động của dịch COVID-19 đến tình hình lao động, việc làm quý I.

9,1 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng của COVID-19 trong quý I

Theo báo cáo, 3 tháng đầu năm 2021, thị trường lao động Việt Nam đã hứng chịu những tác động xấu do sự bùng phát lần thứ 3 của dịch COVID-19. Kết quả điều tra lao động việc làm quý I năm 2021 ghi nhận số người tham gia thị trường lao động giảm so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. 

Trong quý I, cả nước có 9,1 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong đó, có 540.000 người bị mất việc, 2,8 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 3,1 triệu người cho biết họ bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động báo cáo họ bị giảm thu nhập.

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức và lao động thiếu việc làm đều tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước. 

Xét theo 3 khu vực, khu vực ít chịu tác động nhất của đại dịch là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với 7,5% lao động cho biết chịu tác động tiêu cực của đại dịch. Đứng thứ hai là khu vực công nghiệp và xây dựng với 16,5% lao động bị ảnh hưởng. Lao động trong khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, chiếm tỷ lệ 20,4%.

Lực lượng lao động giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước

Đợt dịch COVID-19 thứ ba làm suy giảm đà phục hồi thị trường lao động, điểm sáng duy nhất là thu nhập bình quân tăng - Ảnh 1.

(Nguồn: GSO).

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I năm 2021 là 51 triệu người, giảm 1,1 triệu người so với quý trước và giảm 180.900 người so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng cục Thống kê, thông thường, theo đà tăng dân số, lực lượng lao động năm sau luôn tăng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do dịch COVID-19, lực lượng lao động quý I/2021 xuống thấp hơn cùng kỳ năm trước gần 200.000 người và thấp hơn cùng kỳ khi chưa có dịch (năm 2019) khoảng 600.000 người.

Đợt bùng dịch thứ ba làm suy giảm đà phục hồi của thị trường lao động 

a - Ảnh 1.

Số lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm các quý, giai đoạn 2019-2021. (Nguồn: GSO).

Trong quý I, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 49,9 triệu người, giảm 959.600 người so với quý trước và giảm 177.800 người so với cùng kỳ năm trước, trong đó, giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn và ở nam giới.

Trong năm 2020, sự bùng phát mạnh của dịch COVID-19 đã làm thị trường lao động suy giảm mạnh trong quý II, số lao động có việc làm giảm từ 50,1 triệu người trong quý I xuống còn 48,1 triệu người, giảm gần 2 triệu người. 

Cũng trong năm này ở hai quý tiếp theo, do sự kiểm soát dịch tốt cùng việc thực hiện nới lỏng cách ly xã hội và những chính sách hỗ trợ ảnh hưởng của Chính phủ, thị trường lao động có có sự phục hồi trở lại, lao động có việc làm tăng lên đạt mức 50,9 triệu người, gần đạt được mức trước khi xảy ra dịch COVID-19 là 51 triệu người. 

Tuy nhiên, đến quý I/2021, sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19 ngay trong dịp Tết Nguyên đán, đã làm giảm đà phục hồi của thị trường lao động đã đạt được trước đó. 

Lao động có việc làm giảm còn 49,9 triệu người, giảm 1,8% so với quý trước và giảm 0,36% so với cùng kỳ năm trước.

Số lao động thiếu việc làm tăng đáng kể

Theo điều tra của Tổng cục Thống kê, dịch COVID-19 bùng phát lần thứ ba ngay trước và trong dịp Tết Nguyên đán làm tăng đáng kể số lao động thiếu việc làm so với quý trước và cùng kỳ năm trước. 

Cụ thể, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý I/2021 là 971.400 người; tăng 143.200 người so với quý trước và tăng 78.700 người so với cùng kỳ năm trước. 

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I/2021 là 2,20%; tăng 0,38 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,22 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Thu nhập bình quân tháng của người lao động đạt 6,3 triệu đồng, tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước

Điểm sáng đáng lưu ý nhất trong quý I của thị trường lao động là sự gia tăng mức thu nhập từ công việc của người lao động so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

a - Ảnh 2.

Thu nhập bình quân tháng người lao động theo khu vực kinh tế, quý I/2020 và 2021. (Ảnh: GSO).

Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I/2021 đạt 6,3 triệu đồng, tăng 339.000 đồng so với quý trước và tăng 106.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. 

Bất chấp sự bùng phát của đại dịch COVID-19, thu nhập bình quân của người lao động quý I/2021 vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước và tăng ở cả ba khu vực kinh tế. 

Tính chung quý I/2021 so với cùng kỳ năm trước, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ghi nhận tốc độ tăng thu nhập bình quân cao nhất, tăng 5,2%; khu vực dịch vụ có tốc độ tăng là 1,5% và khu vực công nghiệp và xây dựng có tốc độ tăng thu nhập bình quân thấp nhất, tăng 0,8%.



Anh Đào