Dòng vốn vào hàng hóa lên kỷ lục 54 tỷ USD
Theo số liệu của Barclays, dòng vốn đổ vào thị trường hàng hóa trong 8 tháng đầu năm 2016 đã lên cao kỷ lục 54 tỷ USD. Barclays cho biết, có 3 yếu tố chính kích thích giới đầu tư đổ mạnh vốn vào thị trường hàng hóa trong thời gian gần đây.
Thứ nhất, tâm lý lo ngại về tình trạng tăng trưởng trì trệ của kinh tế toàn cầu đang là động lực thúc đẩy giới đầu tư quay về với các tài sản trú ẩn an toàn như vàng.
Thứ hai, giới đầu tư muốn tận dụng thời điểm biến động của từng loại hàng hóa để kiếm lời.
Và cuối cùng là, hàng hóa đang dần lấy lại vai trò là công cụ chống lạm phát của giới đầu tư.
“Kể từ đầu năm đến nay, vàng thực ra nơi đầu tư phổ biến nhất trên thị trường hàng hóa với tổng vốn ròng đổ vào các quỹ ETP đạt 27 tỷ USD, tương đương một nửa số vốn đổ vào thị trường hàng hóa. Đây là năm đầu tiên giới đầu tư hứng thú trở lại với vàng sau 3 năm liên tiếp rút ròng. Thậm chí, đó còn là con số kỷ lục kể từ năm 2009 khi vàng nhận ròng 19 tỷ USD,” trích báo cáo của Barclays.
Theo giới phân tích tại Barclays, năm 2016 có thể là năm đầu tiên các chỉ số hàng hóa, như chỉ số Hàng hóa Bloomberg (Bloomberg Commodity Index), nhận ròng vốn trong vòng 4 năm trở lại đây.
Barclays lạc quan rằng, thị trường hàng hóa sẽ tiếp tục đón nhận thêm vốn đầu tư trong vài năm tới.
"Những bất ổn trong kinh tế toàn cầu, lĩnh vực tài chính và chính trị sẽ không thể biến mất trong một chốc một lát và giới đầu tư có thể vẫn đầu tư mạnh vào vàng. Thị trường năng lượng cũng sẽ không ngừng biến động nếu Hiệp hội các nước Xuất khẩu Dầu mỏ không thể tìm ra cách cân bằng thị trường dầu thô và khả năng trả nợ trên thị trường này cũng sẽ giảm mạnh khi các ngân hàng đầu tư và cơ sở cho vay nhận thấy rủi ro nợ xấu. Cuối cùng, vì hàng hóa đang được xem là tài sản đầu tư thay thế rất hiệu quả, nên dù các quỹ quản lý tài sản có đánh giá thấp thị trường này thì giới đầu tư vẫn sẽ duy trì ổn định dòng vốn vào thị trường hàng hóa."