|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Dòng vốn hàng trăm nghìn tỷ 'đóng băng' trong BĐS đang được khơi thông đến đâu?

15:42 | 08/05/2023
Chia sẻ
Những vướng mắc về mặt pháp lý của các dự án đến nay cơ bản đã được tháo gỡ. Đây là điều kiện quan trọng để dòng vốn tín dụng từ ngân hàng tiếp tục chảy vào thị trường bất động sản.

Theo một thống kê của Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) hồi cuối năm 2022, cả nước có hàng nghìn dự án bất động sản đang triển khai nhưng phải tạm dừng với giá trị đầu tư khoảng 800.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 30 tỷ USD), trong đó có cả những dự án phát triển nhà ở xã hội.  

Tính riêng trong năm 2022, theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, các dự án bất động sản cấp phép mới và dự án đang triển khai xây dựng đều giảm trên dưới 50%. Hầu hết các dự án đang triển khai phải tạm dừng và không thể triển khai tiếp. 

Tuy nhiên, ngay sau khi thành lập, Tổ công tác của Chính phủ đã tiến hành rà soát, làm việc với các địa phương để nhận diện những khó khăn, vướng mắc. 

Song song với đó, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, đặc biệt là Nghị quyết 33 về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, ổn định, lành mạnh,...

Thông tin từ Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, đến nay bước đầu đã cơ bản tháo gỡ được những vướng mắc về mặt pháp lý cho các dự án bất động sản.

Cụ thể, Tổ công tác đã làm việc với các địa phương, rà soát các dự án tại TP HCM là 180 dự án, Hà Nội 170 dự án, Đà Nẵng 75 dự án, Hải Phòng 65 dự án, TP Cần Thơ 79 dự án.

Ngoài ra, Tổ đã nhận được 71 văn bản đề nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp liên quan đến 121 dự án bất động sản. Tổ công tác đã sàng lọc và có văn bản gửi các địa phương những dự án thuộc nội dung tháo gỡ thuộc thẩm quyền của địa phương, cũng như gửi Bộ KH&ĐT, Bộ TN&MT liên quan đến các nội dung vướng mắc về lĩnh vực đầu tư, đất đai.

Đây là cơ sở để các địa phương cũng như bộ ngành tập trung hướng dẫn, giải đáp, tháo gỡ ngay từng dự án. Các địa phương đang tích cực triển khai rà soát, tháo gỡ để thúc đẩy các dự án này sớm triển khai trở lại trong thời gian tới.

Về kết quả tại một số địa phương, ông Sinh cho biết, thời gian vừa qua, bên cạnh hoạt động chung, Tổ công tác đã làm việc với TP HCM, Đồng Nai, Bình Thuận và một số địa phương khác.

Trước hết, đối với TPHCM, Tổ công tác đang rà soát để tháo gỡ 30 dự án cụ thể. Trên cơ sở rà soát nổi lên 30 nội dung vướng mắc. 

Sau khi trao đổi, 30 vướng mắc này cơ bản đã rõ, trong đó có 10 nội dung liên quan đến nhà ở xã hội, 10 nội dung liên quan đến cải tạo chung cư cũ, 4 nội dung liên quan đến quy hoạch và 3 nội dung liên quan đến đầu tư và đấu thầu, 2 nội dung liên quan đến đất đai.

Đối với Đồng Nai, Tổ công tác cũng làm việc trực tiếp với Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các sở, ban ngành và các doanh nghiệp có liên quan. Qua làm việc, rà soát có 7 dự án liên quan đến các tập đoàn lớn như Novaland, Hưng Thịnh, DIC Corp.

"Chúng tôi nhận diện khó khăn vướng mắc thứ nhất liên quan đến nội dung về quy hoạch, sự không phù hợp giữa quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết và các dự án. Về vấn đề này, chúng tôi đã thống nhất cùng UBND tỉnh và các doanh nghiệp để tháo gỡ", ông Sinh nói.

Ngày 4/5, UBND tỉnh này đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị xem xét chấp thuận chủ trương cho UBND tỉnh lập hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP Biên Hòa.

Một vấn đề khó nữa theo đại diện Bộ Xây dựng đó là việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Sau khi rà soát lại, hiện nay các quy định để dành quỹ đất nhà ở xã hội có từng giai đoạn, ví dụ giai đoạn từ 2006 - 2010 có Nghị định 90 của Chính phủ; giai đoạn 2010 - 2013 có Nghị định 71; giai đoạn 2013 - 2015 có Nghị định 188,… Trên cơ sở đó, các dự án vướng mắc sẽ được rà soát để có điều chỉnh.

(Ảnh minh họa: H.Q).

Theo các chuyên gia, nếu tháo gỡ được vấn đề trước mắt là pháp lý thì ngay lập tức hàng trăm dự án được giải toả và dòng tiền từ đó mà ra. Quan trọng hơn, pháp lý là niềm tin, tháo gỡ sẽ củng cố niềm tin một cách mạnh mẽ. 

Về phía Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng vừa thông tin, khó khăn của bất động sản hiện nay chủ yếu là vấn đề pháp lý và chủ yếu phải được giải quyết thì các chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ mới phát huy, doanh nghiệp mới chứng minh được có dòng tiền trả nợ theo kỳ hạn mới. 

Liên quan đến kiến nghị nới room tín dụng nhằm cho phép các doanh nghiệp bất động sản có thể tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, đồng thời người mua nhà cũng có điều kiện vay vốn, Thống đốc cho rằng thực tế những năm qua, tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản thường cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, ngay cả trong quý I/2023 khi tín dụng tăng trưởng chậm. 

"Đối với việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp, dự án bất động sản hoàn toàn do các TCTD quyết định trên cơ sở thỏa thuận với khách hàng. Những tháng đầu năm, các TCTD không chạm trần tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, với đặc thù tín dụng bất động sản thường có kỳ hạn dài, số tiền lớn nên khi cấp tín dụng, các TCTD phải cân đối trên cơ sở thực tế huy động vốn và cân đối sử dụng vốn để đảm bảo cấp tín dụng nhưng vẫn đảm bảo thanh khoản, sẵn sàng chi trả cho người gửi tiền.

Với tính chất dài hạn, nguồn vốn cho doanh nghiệp, dự án kinh doanh bất động sản ngoài vốn tín dụng, cần tăng cường huy động từ các nguồn vốn khác như FDI, trái phiếu doanh nghiệp,...", Thống đốc nói.

Công Tâm