|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền vẫn dồi dào trên TTCK, song cần chắt lọc lựa chọn cổ phiếu

09:05 | 19/03/2024
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán đang tiếp tục tăng trưởng tích cực nhờ dòng tiền dồi dào. Tuy nhiên, ở mức định giá cao, cơ hội sẽ trở nên khó hơn, nhà đầu tư nên cân nhắc lựa chọn các cổ phiếu có mức định giá vẫn hấp dẫn.

Thông tin tại talkshow Phố Tài chính mới đây, nhiều loại tài sản trên thế giới đã tăng giá khả quan trong 2 tháng đầu năm, như vàng 9%, chứng khoán Nhật Bản 16%, chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) 12%, Bitcoin 60%. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã tăng khoảng 12%.

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích của Chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá sự đồng pha với các loại tài sản trên thế giới đến từ yếu tố nội tại trong nước, và cũng đến từ chuyển biến từ những kỳ vọng bên ngoài. Năm 2024, mặt bằng lãi suất USD được dự báo bắt đầu giảm, theo đó giá các tài sản tài chính gia tăng.

Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp, Đại học Bristol (Anh), đồng thuận ý kiến trên. Ông Tuấn chỉ ra Fed đã ngừng tăng lãi suất và việc giảm lãi suất chỉ là vấn đề thời gian. Sản xuất dần hồi phục khi các doanh nghiệp sản xuất có đơn hàng trở lại đến từ Mỹ và châu Âu.

Nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đang có tâm lý không quá quan tâm đến yếu tố “tin xấu”, mà đang hướng tới những cơ hội, khi nhận định thị trường đang vào sóng tăng.

 Talkshow Phố Tài chính ngày 18/3. Ảnh: X.N chụp màn hình.

Về yếu tố thanh khoản, ông Long cho biết nhà đầu tư đang đón đầu đà hồi phục doanh thu, lợi nhuận (của doanh nghiệp). Lãi suất tiền gửi hiện khá thấp, khoảng 5%, khiến dòng tiền tham gia vào thị trường nhiều hơn.

Những phiên giao dịch tỷ USD liên tục xuất hiện. Mặt bằng thanh khoản đang cao hơn so với 2023. Do đó, dòng tiền cũng có xu hướng lựa chọn vào các mã có quy mô lớn.

Đồng thuận góc nhìn, ông Tuấn đánh giá nền kinh tế đang trong xu hướng hồi phục, nhà đầu tư cũng thận trọng nên đang hướng nhiều đến nhóm có khả năng hồi phục lợi nhuận tốt, tính chất an toàn hơn như các bluechip, doanh nghiệp lớn.

Nói về câu chuyện thị trường đã đạt đỉnh hay chưa, theo ông Long, nếu việc phục hồi kết quả kinh doanh tiếp diễn có thể đẩy tâm lý lạc quan thị trường lên cao hơn. Trong xu hướng tăng, nhà đầu tư không nên đoán đỉnh.

Ông Tuấn chỉ ra về mặt định giá, hiện P/E của thị trường đã tiến đến gần 16 lần, là mức không còn rẻ. Trường hợp lợi nhuận không phục hồi tốt, P/E vẫn có thể rơi về 10 - 11 lần. Tuy vậy, một số nhà đầu tư vẫn đang giữ lượng lớn tiền mặt để chờ cơ hội. Tâm lý chung vẫn cho rằng rung lắc chỉ là điều chỉnh chứ không phải đảo chiều, và tin xấu đã phản ánh vào giá.

Trong bối cảnh hiện nay, ông Long khuyến nghị nhà đầu tư quan tâm đến các nhóm ngành có câu chuyện được hỗ trợ về mặt chính sách như xuất nhập khẩu, dòng tiền FDI, cụ thể là ngành khu công nghiệp, logistics vẫn hưởng lợi. Thứ hai là nhóm hạ tầng, kế hoạch giải ngân năm nay cao hơn so với 2023 (khoảng 600.000 tỷ đồng). Ngoài ra, luật nhà ở, luật đất đai sẽ tạo hành lang pháp lý, cũng là yếu tố cần quan tâm, khi ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực.

Ở góc nhìn dài hạn, ông Tuấn hướng đến nhóm công nghệ thông tin, ngành hỗ trợ cho FDI như khu công nghiệp, hay nhóm hưởng lợi từ giải ngân thi công hạ tầng. Thứ hai là câu chuyện hồi phục xuất nhập khẩu, như ngành dệt may da giày. Về phần nhóm bất động sản, ông Tuấn đánh giá vẫn chưa rõ ràng.

Tựu trung lại, các chuyên gia nhận định thị trường chứng khoán vẫn còn đang tiếp tục tăng trưởng tích cực nhờ dòng tiền dồi dào. Tuy nhiên, ở mức định giá cao, cơ hội sẽ trở nên khó hơn, nhà đầu tư nên cân nhắc lựa chọn các cổ phiếu có mức định giá vẫn hấp dẫn.

Xuân Nghĩa