|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền tìm đến cổ phiếu khi bất động sản èo uột, gửi tiết kiệm lãi suất thấp

13:51 | 14/09/2023
Chia sẻ
Thanh khoản thị trường bất động sản (BĐS) trong nước duy trì thấp, giao dịch khó khăn khi người mua và người bán chưa tìm được nhiều tiếng nói chung. Nhà đầu tư (NĐT) đang cởi mở hơn với kênh cổ phiếu khi kênh đầu tư này diễn biến tích cực và giao dịch sôi động.

Doanh nghiệp, NĐT BĐS gặp khó do thanh khoản thấp kéo dài

Thanh khoản thị trường BĐS dù có cải thiện song vẫn chưa đáng kể. Báo cáo chuyên đề thị trường BĐS Việt Nam tháng 8 của Hiệp hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho biết các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này đang tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Theo khảo sát, 50% doanh nghiệp cho biết họ gặp khó khăn lớn nhất về giao dịch, tiếp đến là về pháp lý đất đai và vốn, thị trường trái phiếu, tín dụng. Số lượng doanh nghiệp BĐS giải thể tiếp tục tăng là minh chứng rõ nét.

Dữ liệu từ khảo sát của VARS với các hội viên VARS là các sàn giao dịch BĐS cho thấy, có đến 20% sàn đối diện nguy cơ giải thể, phá sản; 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt; phần còn lại có khả năng chống đỡ, nhưng sức chống chịu không cao. Số lượng doanh nghiệp BĐS quay trở lại hoạt động, tuyển dụng ghi nhận tăng ở một số địa phương có thị trường BĐS phục hồi tốt nhưng không nhiều.

“Nếu tình hình khó khăn trên thị trường BĐS tiếp tục duy trì, có tới 25% doanh nghiệp chỉ có thể trụ được tới hết quý III/2023, nếu khó khăn tiếp tục duy trì đến hết năm 2023, số lượng doanh nghiệp có nguy cơ phá sản sẽ tiếp tục tăng cao. Các môi giới, sàn giao dịch cũng đang đối diện với những rủi ro không nhận được hoa hồng đúng hẹn. Các sàn giao dịch cũng có khả năng bị phạt, bị xử lý vì đến hạn mà không có tiền nộp thuế, không có tiền nộp bảo hiểm xã hội,... do không có nguồn thu; hay bị chủ cho thuê mặt bằng đòi mặt bằng trước hạn, cắt nước, cắt điện,... do chậm thanh toán, không có tiền thanh toán”, báo cáo của VARS nêu ra hiện trạng.

Ở khía cạnh tâm lý nhà đầu tư (NĐT), VARS chỉ ra chỉ có 21% doanh nghiệp được khảo sát đánh giá các cơ chế, chính sách mới được ban hành từ đầu năm 2023 đến nay thực sự có tác động tích cực tới tâm lý nhà đầu tư. Các doanh nghiệp còn lại đều cho rằng, sau một thời gian quan sát và theo dõi, không thấy được sự chuyển biến thực sự và rõ rệt của thị trường, khách hàng/NĐT sau khi ổn định tâm lý, vẫn xác định “chậm mà chắc”, vô cùng thận trọng trước các quyết định.

(Nguồn: Báo cáo chuyên đề tháng 8 của VARS).

Trong bối cảnh đó, xuất hiện xu hướng NĐT hay cả môi giới BĐS tạm thời chuyển sang các kênh đầu tư có thanh khoản tốt hơn trong đó cổ phiếu. Chia sẻ với người viết, anh Phan K. Phương, một NĐT ngụ tại TP HCM, cho biết thời gian những tháng gần đây ngập tràn các thông tin rao bán thanh lý, cắt lỗ,... trên các cổng thông tin, mạng xã hội, diễn đàn.

Tuy nhiên, theo anh Phương nhận thấy, tình hình giao dịch trên thực tế vẫn phức tạp, bên mua và bên bán vẫn liên tục “ép” giá lẫn nhau. Cùng với việc chưa nắm rõ tác động của các chính sách, thông tư liên quan mới, NĐT như anh quyết định tạm thời tiếp tục quan sát thị trường, và trích một phần vốn sang đầu tư chứng khoán.

“Vài lô đất tại Bình Phước đang rao ở mức giá hạ nhiệt hơn 1-2 năm trước rất nhiều. Vì thị trường đang kém thanh khoản, tôi muốn bên bán giá giảm thêm 5 - 10%, song không tìm được tiếng nói chung. Thấy mất thời gian và chưa rõ tác động của các chính sách, thông tư liên quan mới ban hành, vợ chồng tôi quyết định tiếp tục chờ đợi quan sát.

Đồng thời, chúng tôi phân bổ 1/3 vốn sang mua cổ phiếu. Kênh này thấy dễ tham gia, hiệu suất sinh lợi đang tốt, không cần vốn quá nhiều, quan trọng là có thể rút vốn ngay khi cần”.

NĐT tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường cổ phiếu

Đó không phải là tâm lý riêng của mỗi vợ chồng anh K. Phương. Chị Võ.T Thủy, nhân viên môi giới lâu năm của một công ty chứng khoán Top10 thị phần, cho hay những tháng qua nhiều người tham gia, kể cả các môi giới BĐS tìm đến chị để nhận tư vấn và mở tài khoản chứng khoán.

“Nhiều người bày tỏ không muốn để tiền nằm im một chỗ trong bối cảnh kinh tế lạm phát, muốn tham gia kênh có lợi nhuận, giao dịch sôi động là cổ phiếu”, chị Thủy chia sẻ.

Theo số liệu của Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), số lượng tài khoản chứng khoán cá nhân trong nước đã tăng gần 190.000 đơn vị trong tháng 8, cao nhất trong hơn 1 năm (kể từ tháng 8/2022). Đồng thời, thị trường đã ghi nhận 4 tháng liên tiếp có số lượng tài khoản mở mới trên 100.000 đơn vị. Tính giai đoạn tháng 5 - 8/2023, số lượng tài khoản cá nhân trong nước đã tăng gần 600.000 đơn vị.

Quan sát 4 năm trở lại đây, số lượng tài khoản cá nhân trong nước tại cuối 2019 chỉ là 2,3 triệu đơn vị, sau đó bùng nổ trong 2021 -2022 và duy trì đà tăng đến nay. Tại thời điểm 31/8, con số này đạt 7,59 triệu tài khoản, xấp xỉ 7,6% dân số cả nước.

Tất nhiên một người (đủ điều kiện) hoàn toàn có thể mở nhiều tài khoản ở các công ty chứng khoán khác nhau. Song, không thể phủ nhận làn sóng tham gia đã và đang lan tỏa rộng. Gần đây, thông tin trên thị trường còn ghi nhận trường hợp như cụ ông 81 tuổi rút sổ tiết kiệm để đầu tư chứng khoán hay anh nhân viên giao hàng với thu nhập tầm trung cũng chủ động trích một phần để tích lũy cổ phiếu,... Điều đó cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư đối với kênh này ngày càng được nâng lên.

 

Sự sôi động của thị trường còn được thể hiện rõ qua mức thanh khoản. Theo dõi trong gần 2 tháng gần đây, giá trị giao dịch toàn thị trường đạt quanh 1 tỷ USD mỗi phiên. Thị trường tích cực cộng với thanh khoản cao khiến sự quan tâm của giới đầu tư tới thị trường cổ phiếu ngày càng lên cao hơn.

Bên cạnh đó, dòng tiền đang tìm kiếm những kênh đầu tư có mức sinh lợi tốt hơn khi lãi suất tiết kiệm ở mức thấp. Tại báo cáo chiến lược mới đây, Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) đánh giá TTCK duy trì sức hút so với kênh tiền gửi tiết kiệm trong bối cảnh lãi suất huy động nới rộng đà giảm trong tháng 8. Lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại đã giảm thêm 0,3 điểm % trong tháng 8 và có thể duy trì xu hướng giảm những tháng cuối năm.

Về tổng quan, các yếu tố hỗ trợ cho TTCK vẫn đang duy trì, bao gồm mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm, giải ngân đầu tư công, dòng vốn FDI tăng, tỷ giá ổn định, kinh tế, lợi nhuận doanh nghiệp hồi phục, hệ thống KRX, triển vọng sớm nâng hạng thị trường,...

Xuân Nghĩa