Dòng tiền thông minh 8/7: Tự doanh mua ròng hơn 500 tỷ đồng, cùng khối ngoại đồng loạt gom MBB
Sau phiên lao dốc bất ngờ ngày 6/7, thị trường chứng khoán Việt Nam lấy lại một phần điểm số trong phiên 7/7 nhờ nỗ lực bứt phá của các cổ phiếu nhóm vốn hóa lớn. VN-Index quay đầu tăng 2,49% đóng cửa ở mức 1.388,55 điểm, đánh dấu mức tăng mạnh nhất kể từ phiên 17/2.
Độ rộng thị trường cải thiện so với phiên trước với tỷ lệ cổ phiếu tăng/giảm là 147/226. Giá trị giao dịch trên HOSE đạt 26.103 tỷ đồng trong khi giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 31.388 tỷ đồng, giảm 8,6% so với phiên liền trước.
Nhóm cổ phiếu tăng mạnh nhất là ngành bán lẻ, đơn cử như các mã MWG, FRT, PNJ. Ngoài ra, nhóm điện nước xăng dầu khí đốt cũng lặng lẽ tăng điểm trong thời gian gần đây và được dẫn dắt bởi cổ phiếu GAS tăng trần trong phiên hôm qua.
Tỷ trọng phân bổ dòng tiền vào nhóm ngân hàng, chứng khoán, thép tăng vọt và đều kết phiên trong sắc xanh.
Khối tự doanh CTCK cùng các tổ chức trong nước tiếp tục rót vốn phiên thị trường bứt phá
Trong các bên giao dịch trên thị trường, tự doanh công ty chứng khoán tiếp tục mua ròng 509 tỷ, trong đó mua ròng 449 tỷ đồng qua khớp lệnh.
Tại chiều mua ròng, khối này tập trung gom cổ phiếu MBB (66,4 tỷ đồng), theo sau là SSI (63,2 tỷ đồng), VNM (51,5 tỷ đồng) và FPT (47,5 tỷ đồng). Bên cạnh đó, dòng tiền còn tìm đến VCB, TCB, STB, HPG, PNJ, PET.
Diễn biến trái chiều, E1VFVN30 và FUEVFVND chịu áp lực rút vốn lớn nhất từ khối tự doanh với giá trị bán ròng lần lượt là 47,7 tỷ và 19,4 tỷ đồng. Mặt khác, dòng tiền cũng rút khỏi các mã BID (12,5 tỷ đồng), VHM (10,4 tỷ đồng), DIG (6,6 tỷ đồng) và SBT (6,4 tỷ đồng)…
Về phía NĐT tổ chức trong nước, tương tự khối tự doanh, hoạt động mua ròng của khối này đạt 247 tỷ, tính riêng khớp lệnh thì họ mua ròng 272 tỷ đồng.
Cụ thể, NĐT tổ chức trong nước mua ròng chủ yếu các ngành bất động sản, tài nguyên cơ bản trong khi bán ròng ngành bảo hiểm và ngân hàng.
Theo đó, Top mua ròng có TCB, HPG, VPB, VHM, MBB, VIC, VNM, HDB, FPT, SSI. Chiều ngược lại, Top bán ròng của các tổ chức trong nước có STB, CTG, BVH, HCM, GEX, PNJ, DBC, DHM, AGG, SCR.
NĐT cá nhân rút ròng 2.876 tỷ đồng qua khớp lệnh, tập trung xả VHM, MBB, HPG
NĐT cá nhân bán ròng 2.850 tỷ đồng, trong đó bán ròng khớp lệnh là 2.876 tỷ đồng. Tính riêng giao dịch khớp lệnh, họ mua ròng 3/18 ngành, tập trung nhóm bảo hiểm. Top mua ròng của NĐT cá nhân tập trung vào CTG, STB, BVH, HAH, VCI, DIG, KDC, DHM, PNJ, và FUESSVFL.
Ngược lại, nhóm này bán ròng 15/18, chủ yếu là ngành bất động sản, ngân hàng, thực phẩm đồ uống. Chiều bán ròng có VHM, MBB, HPG, VNM, SSI, MSN, HDB, TCB, NVL, KBC, VCB. Top mua bán ròng của nhà đầu tư cá nhân chủ yếu là đối ứng với nước ngoài. Tuy nhiên họ cũng mua bán đối ứng với tổ chức trong nước và tự doanh.
Khối ngoại mua ròng đột biến gần 2.100 tỷ đồng
Tính cả giao dịch thỏa thuận, NĐT nước ngoài mạnh tay rót gần 3.743 tỷ đồng vào thị trường trong khi bán ra 1.648 tỷ đồng. Như vậy, giá trị vào ròng của khối ngoại là 2.094 tỷ đồng, trong đó tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ mua ròng 2.155 tỷ đồng.
Lực mua ròng khớp lệnh của nhà đầu tư nước ngoài được trải đều giữa các ngành, trong đó nhóm này mua mạnh nhất các ngành bất động sản, ngân hàng, và thực phẩm & đồ uống. Top mua ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã VHM, MBB, HPG, VNM, STB, MSN, SSI, HDB, KBC, NVL.
Bên phía bán ròng khớp lệnh, dòng tiền từ nhà đầu tư ngoại chủ yếu rút khỏi nhóm bảo hiểm với giá trị 16 tỷ đồng. Top bán ròng theo thứ tự các mã CTG, VPB, PNJ, BVH, NLG, HAH, VCI, KDC, BMI, FPT.
Như vậy nước ngoài tiếp tục giữ vị thế từ mua ròng trong hai phiên gần nhất với tâm điểm giao dịch thuộc về nhóm bất động sản, đặc biệt là VHM. Trong khi đó hai đại diện nhóm ngân hàng là CTG và VPB tiếp tục nằm trong top bán ròng.