Dòng tiền thông minh 5/11: Cá nhân trong nước gom ròng hơn 600 tỷ đồng, tập trung mua PAN từ khối ngoại
Mở cửa phiên giao dịch thứ Năm (4/11), VN-Index chịu áp lực bán chốt lời của nhà đầu tư, điều này đã khiến cho chỉ số chìm trong sắc đỏ giai đoạn đầu phiên. Tuy nhiên, lực cầu mạnh đã giúp cho VN-Index "chuyển mình" và đóng cửa với mức tăng hơn 4 điểm, dừng chân tại mốc 1.448 điểm, tương ứng tăng 0,28% so với phiên trước đó.
Thanh khoản có phần suy giảm so với phiên trước khi chỉ đạt 863 triệu đơn vị khớp lệnh, tương ứng giá trị hơn 26.000 tỷ đồng. Giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 33.803,1 tỷ đồng, giảm 34,9% so với phiên kỷ lục liền trước.
Theo quan sát, số mã tăng có phần áp đảo với 264 mã so với 186 mã giảm. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán có phiên tăng điểm ấn tượng với nhiều mã đóng cửa với mức tăng trần như BSI, APS, VIX, VND,…
Bên cạnh đó nhóm cổ phiếu xây dựng và bất động sản bị bán mạnh phiên trước cũng quay lại hồi phục một cách mạnh mẽ với nhiều mã tăng trần như HBC, VPI, CSC….
Dòng tiền bất ngờ chuyển vào nhóm các cổ phiếu ngoài các rổ chỉ số VN30, VNMID, VNSML trong đó có HVN, PAN, VND, SHB, HAG.
Tự doanh tiếp tục bán ròng
Trong phiên hôm qua, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán tiếp đà bán ròng, nhưng quy mô đã giảm đáng kể so với phiên điều chỉnh trước đó. Cụ thể, tự doanh rút ròng 352,3 tỷ đồng, trong đó họ bán ròng 162,5 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.
Trong đó, khối tự doanh giải ngân vào 5/18 ngành với nhóm được mua ròng mạnh nhất là bán lẻ, điện, nước & xăng dầu khí đốt. Top mua ròng của tự doanh phiên ngày hôm qua gồm MWG, GAS, SZC, FPT, EIB, E1VFVN30, BVH, HDC, GVR, ITA.
Bên phía bán ra, tự doanh chủ yếu bán ròng cổ phiếu ngành tài nguyên cơ bản. Top cổ phiếu bị bán ròng gồm FUEVFVND, KDH, TCB, ACB, HPG, VPB, SSI, NVL, PNJ, REE.
Tổ chức trong nước chuyển bán ròng
Giao dịch cùng chiều khối tự doanh, NĐT tổ chức trong nước chuyển bán ròng 195,5 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh thì họ rút ròng 352,2 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức nội bán ròng 10/18 ngành với giá trị lớn nhất đặt tại nhóm hóa chất. Top10 mã bị bán ròng mạnh nhất có DCM, TCB, VNM, NLG, VIC, VND, VPB, MSN, GEX, VHM.
Trong khi đó, dòng tiền của NĐT tổ chức trong nước chủ yếu tìm đến cổ phiếu nhóm xây dựng và vật liệu. Top mua ròng có NVL, PVT, KBC, CTG, VCI, SSB, OCB, VHC, FUEVFVND, MBB.
NĐT cá nhân tập trung mua đối ứng PAN từ nước ngoài
Sau phiên bán ròng nhẹ, NĐT cá nhân trở lại với lực cầu nâng đỡ trong phiên thị trường hồi phục. Cụ thể, khối này mua ròng 619,1 tỷ đồng, trong đó gom ròng 706,1 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, cá nhân trong nước mua ròng 8/18 ngành, chủ yếu là ngành thực phẩm và đồ uống. Top mua ròng của NĐT cá nhân tập trung tại các mã PAN, SSI, DCM, TCB, VNM, GEX, HSG, VIC, NLG, VPB. Trong đó, hoạt động giải ngân vào cổ phiếu PAN của PAN Group diễn ra sôi động với giá trị vào ròng lên tới 451,8 tỷ đồng.
Thống kê của Fiinpro cho thấy PAN giao dịch mạnh do nước ngoài thoái vốn, lực cầu của nhà đầu tư cá nhân trong nước đủ mạnh để mua hết 15 triệu cổ phiếu nước ngoài bán ra trong phiên, bên cạnh đó giá cổ phiếu từ giảm phiên sáng sang tăng mạnh phiên chiều. Điều này cho thấy kỳ vọng giá cổ phiếu có cơ hội tăng sau khi nước ngoài thoái vốn.
Trở lại với giao dịch của NĐT cá nhân, bên phía bán ròng khớp lệnh, họ xả ròng 10/18 ngành còn lại với áp lực bán tập trung tại nhóm ngân hàng, xây dựng & vật liệu. Top bán ròng có: CTG, KBC, VHM, MWG, HCM, STB, VCI, VCB, BID.
Khối ngoại quay lại bán ròng
Về phía NĐT nước ngoài, họ quay lại bán ròng 96,9 tỷ đồng sau phiên mua ròng trước đó. Tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ bán ròng 191,4 tỷ đồng.
Mua ròng khớp lệnh chính của nước ngoài là nhóm ngân hàng, bất động sản. Top mua ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: CTG, VHM, HCM, VCB, STB, VND, KBC, PNJ, HDB, SHB.
Tại phía bán ròng khớp lệnh, NĐT ngoại bán nhiều nhất cổ phiếu của các doanh nghiệp nhóm thực phẩm và đồ uống. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: PAN, SSI, GEX, HSG, VRE, FUEVFVND, KDH, KDC, VIC.