Dòng tiền thông minh (27/5): Khối ngoại và tự doanh CTCK cùng 'gom' hơn 336 tỉ đồng trong phiên cuối tuần
Dòng tiền tuần qua tập trung vào ngành bán lẻ nhưng tạo áp lực lên ngành truyền thông
Thị trường chứng khoán tuần qua (20 – 24/5) vẫn thiếu sự hỗ trợ từ dòng tiền và chịu áp lực bán ra từ khối ngoại (nếu không tính đến các giao dịch thoả thuận của cổ phiếu 'họ Vingroup'). VN-Index dao động quanh ngưỡng 980 điểm.
Về các yếu tố ảnh hưởng, việc chính quyền Mỹ ra quy định mới với Huawei khiến thị trường thế giới biến động mạnh có tác động nhất định đến thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, Chính phủ dự báo tăng trưởng GDP 2019 ở mức 6,78%, dư địa chính sách tiền tệ và tài khóa hạn chế. Ngành khai khoáng tiếp tục gặp khó khăn, tạo gánh nặng cho nền kinh tế.
Thị trường tiếp tục có sự phân hóa, nhóm ba ngành tăng điểm mạnh nhất gồm ngành bán lẻ tăng 5,99%, ngành du lịch và giải trí tăng 3,06%, ngành công nghệ thông tin tăng 2,77% với một số mã tiêu biểu như MWG, PNJ, FPT, HVN… Ngược lại, nhóm ngành giảm điểm nhiều nhất có truyền thông giảm 6,06%, ngành xây dựng và vật liệu giảm 2,16%, ngành điện nước và xăng dầu khí đốt giảm 1,93%. Cụ thể là các mã như YEG, HT1, NT2, GAS…
Theo Chứng khoán BSC, tâm lý cấn trọng vẫn chủ đạo các hoạt động giao dịch trên thị trường khi chưa có diễn biến mới về cuộc chiến thương mại Mỹ-trung và chính sách của FED vẫn giữ nguyên
Trong tuần tới (27 – 31/5), nhà đầu tư cần lưu ý một số thông tin chứng khoán gồm cổ phiếu VGC niêm yết trên HOSE ngày 29/5, cổ phiếu DBC cũng đang thực hiện thủ tục chuyển sàn, ETF iShare cơ cấu danh mục vào 31/5. Dù đàm phán thương mại Mỹ - Trung chưa có lộ trình tiếp theo nhưng các động thái của Mỹ nhắm vào Huawei và các công ty viễn thông Trung Quốc ảnh hưởng đáng kể đến các thị trường.
Khối tự doanh mua ròng hơn 186 tỉ đồng, chủ yếu 'gom' VHM
Thống kê giao dịch phiên cuối tuần qua, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán mua ròng 186 tỉ đồng với khối lượng gần 3,5 triệu đơn vị.
Thống kê giao dịch của khối tự doanh CTCK phiên 24/5. Nguồn: Thu Thủy tổng hợp từ FiinPro
Tại giao dịch cổ phiếu, dẫn đầu chiều mua vào là VHM với 26,55 tỉ đồng, theo sau bởi VNM (20,23 tỉ đồng). Những cổ phiếu có giá trị mua vào dưới 20 tỉ đồng và trên 10 tỉ đồng gồm TCB, VIC, MSN, HPG, GMD. Ngoài ra, khối tự doanh còn mua nhiều VPB và VJC. Diễn biến trái chiều, cổ phiếu POW chịu áp lực bán ra cao (5 tỉ đồng), kế đến là CAV (4,9 tỉ đồng), TCB (3,54 tỉ đồng), VHM (3,07 tỉ đồng)…
Tại giao dịch chứng chỉ quỹ, chứng chỉ E1VFVN30 ghi nhận giá trị bán ra cao nhất (47,04 tỉ đồng). Tuy nhiên, chứng chỉ này đồng thời được mua vào 22,6 tỉ đồng.
Khối ngoại mua ròng 150,5 tỉ đồng toàn thị trường nhờ đột biến tại cổ phiếu MPC
Phiên cuối tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh mẽ trên HOSE và HNX. Tuy nhiên, giá trị mua ròng đột biến tại UPCoM khiến giá trị mua ròng toàn thị trường đạt 150,5 tỉ đồng với khối lượng hơn 3,2 triệu đơn vị.
Diễn biến trên HOSE, khối ngoại bán ròng gần 285 tỉ đồng với khối lượng hơn 6,7 triệu đơn vị. Những mã có giá trị bán ròng cao gồm VNM (70,6 tỉ đồng), HPG (60,7 tỉ đồng), VIC (38 tỉ đồng), PVD (35,5 tỉ đồng), VHM (30 tỉ đồng). Trong khi đó, khối này mua ròng nhiều nhất VJC (21,8 tỉ đồng), theo sau là E1VFVN30 (19,3 tỉ đồng), HVN (14 tỉ đồng), POW (10 tỉ đồng), PTB (10 tỉ đồng).
Trên HNX, nhà đầu tư nước bán ròng 8,5 tỉ đồng với khối lượng 313.471 đơn vị. Trong đó, dòng tiền ngoại rút mạnh khỏi PVS (5,6 tỉ đồng), NTP (2,3 tỉ đồng), LHC (364 triệu đồng). Ngược lại, cổ phiếu hút tiền có BVS (126 triệu đồng), VNR (107 triệu đồng).
Đáng chú ý, thị trường UPCoM ghi nhận giá trị mua ròng đột biến 444 tỉ đồng với khối lượng 10,2 triệu đơn vị. Phần lớn do cổ phiếu MPC được mua ròng nhiều nhất với 425,6 tỉ đồng. Khối này còn bán ròng mạnh BSR (4,6 tỉ đồng).
Phó TGĐ Tập đoàn COTANA đăng ký mua 500.000 cổ phần
Thống kê đăng ký giao dịch nổi bật trên HOSE và HNX, bà Nguyễn Thị Thu Hương – Phó Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn COTANA (Mã: CSC) công bố muốn mua 500.000 cổ phiếu CSC nhằm tăng số lượng cổ phần nắm giữ. Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 28/5 đến 25/6 theo phương thức thoả thuận và khớp lệnh. Nếu lần mua vào này thành công, bà Hương dự kiến nâng tỉ lệ sở hữu tại Tập đoàn từ 0,06% lên 2,51% vốn điều lệ, tương ứng 512.230 cổ phiếu CSC.