|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền thông minh (24/5): Ngược chiều khối ngoại, tự doanh CTCK tiếp tục 'gom' 179 tỉ đồng, ai mua thỏa thuận nghìn tỉ VRE?

07:45 | 24/05/2019
Chia sẻ
Chuyển động dòng tiền thông minh ngày 24/5, giao dịch thoả thuận 1.110 tỉ đồng một mã ‘họ Vingroup’ khiến dòng tiền đột biến ở ngành bất động sản, tự doanh CTCK duy trì ‘gom’ 179 tỉ đồng trong khi khối ngoại ‘xả’ 168 tỉ đồng.

Thêm một 'họ Vingroup' giao dịch thoả thuận, dòng tiền thông minh đột biến ở ngành bất động sản

Thị trường chứng khoán tiếp tục điều chỉnh trong phiên hôm qua (23/5). Nguyên nhân chủ yếu là cổ phiếu GAS kéo VN-Index tụt 0,8 điểm và SAB khiến chỉ số mất 0,5 điểm. Bên cạnh đó, nhóm bất động sản có VIC, VRE và ROS cũng là tác nhân dẫn đến đà giảm của chỉ số.

Kết phiên, VN-Index mất 1,07 điểm (0,11%) còn 982,71 điểm; HNX-Index tăng 0,16% lên 106,3 điểm; UPCoM-Index tăng 0,02% lên 55,4 điểm. Trong khi đó, cổ phiếu thúc đẩy chỉ số tăng điểm nhiều nhất có PLX với 0,47 điểm. Nhóm ngân hàng BID và VCB giao dịch khởi sắc đồng thời kìm hãm chỉ số giảm điểm.

Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 226 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch 5.477 tỉ đồng. Dòng tiền đột biến ở nhóm cổ phiếu ngành bất động sản do cổ phiếu VRE của Vincom Retail được thỏa thuận hơn 32,6 triệu cổ phiếu, giá trị trên 1.110 tỉ đồng, ngoài ra còn tập trung ngành công nghiệp, thanh khoản thị trường nhỉnh hơn phiên giao dịch trước.

Khối tự doanh mua ròng hơn 179 tỉ đồng, chủ yếu giao dịch cổ phiếu VHM

Bộ phận tự doanh công ty chứng khoán mua ròng 179,1 tỉ đồng với khối lượng 2,83 triệu đơn vị trong phiên giao dịch hôm qua.

Dòng tiền thông minh (24/5): Ngược chiều khối ngoại, tự doanh CTCK tiếp tục gom 179 tỉ đồng, ai mua thỏa thuận nghìn tỉ VRE? - Ảnh 1.

Thống kê giao dịch của khối tự doanh CTCK phiên 23/5. Nguồn: Thu Thủy tổng hợp từ FiinPro

Tâm điểm giao dịch là cổ phiếu VHM, mã này đồng thời dẫn đầu chiều bán ra và mua vào với giá trị tương ứng 105,33 tỉ đồng và 68,69 tỉ đồng. Cùng chiếu mua vào, khối này còn mua mạnh MSN (89,37 tỉ đồng) và VIC (61,26 tỉ đồng). Một số mã trong top có giá trị mua vào dưới 10 tỉ đồng như VNM, TCB, HPG, VPB, VJC, MBB.

Diễn biến trái chiều, VIC theo sau VHM với giá trị bán ra 54,87 tỉ đồng. Những mã cũng được khối ngoại chú ý hơn như TCB (7,3 tỉ đồng), VPB (6,01 tỉ đồng), NTL (4,66 tỉ đồng), DRC, FPT, VNM, HDG.

Riêng chứng chỉ quỹ E1VFVN30 có giá trị mua vào 9,49 tỉ đồng nhưng bị bán ra 7,63 tỉ đồng.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng 168 tỉ đồng toàn thị trường

Thống kê giao dịch khối ngoại, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng toàn thị trường 168 tỉ đồng, đáng chú ý, khối lượng bán ròng đến 9,05 triệu đơn vị.

Diễn biến trên HOSE, khối này tập trung bán ròng PVD (34,5 tỉ đồng), VPI (23,2 tỉ đồng), VNM (23,3 tỉ đồng), HPG (gần 22 tỉ đồng), HDB (18 tỉ đồng). Ngược lại, các mã được mua ròng nhiều nhất có PTB (11,1 tỉ đồng), VCB (10,2 tỉ đồng), PLX (9,5 tỉ đồng), HVN (6,5 tỉ đồng), PC1 (4,5 tỉ đồng).Theo đó, tổng giá trị bán ròng của khối ngoại trên sàn này là 107 tỉ đồng với khối lượng 4,7 triệu đơn vị.

Trên HNX, nhà đầu tư nước bán ròng 59,8 tỉ đồng với khối lượng hơn 3,7 triệu đơn vị. Hoạt động bán ròng chủ yếu ở PVS (35,8 tỉ đồng), kế đến là SHS (11,6 tỉ đồng), NTP (gần 9 tỉ đồng). Ở chiều mua ròng, HHP dẫn đầu với (379 triệu đồng), ngoài ra có TTT (333 triệu đồng), AMV (158 triệu đồng).

Thị trường UPCoM ghi nhận giá trị bán ròng hơn 1,6 tỉ đồng với khối lượng 652.956 đơn vị. Cụ thể, dòng tiền ngoại rút khỏi LPB mạnh nhất (4,9 tỉ đồng) và hướng đến VEA nhiều nhất (2,9 tỉ đồng).

Vợ Chủ tịch Thuỷ sản Mekong muốn bán bớt cổ phiếu

Thống kê đăng ký giao dịch trên hai sàn phiên hôm qua, duy nhất bà Châu Thị Yến, đăng ký bán 20.000 cổ phiếu AAM của CTCP Thuỷ sản Mekong nhằm cơ cấu danh mục đầu tư. Thời gian giao dịch dự kiến từ 28/5 đến 25/6 theo phương thức thoả thuận và khớp lệnh. Nếu giao dịch thành côn, tỉ lệ sở hữu của bà Yến tại Thuỷ sản Mekong giảm từ 2,81% về 2,62% vốn điều lệ. Được biết, bà Yến là vợ ông Nguyễn Hoàng Nhơn – Phó Chủ tịch HĐQT công ty. Ông Nhơn hiện sở hữu 395.577 cổ phần AAM, tương đương 3,79% vốn điều lệ.

Thu Thủy

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.