Dòng tiền thông minh 24/6: Khối tự doanh đảo chiều bán ròng, tập trung TCB và VPB
Dòng tiền thông minh tiếp tục tìm đến cổ phiếu bất động sản phiên giảm điểm
Sau phiên hồi phục, VN-Index quay đầu giảm 0,22% đóng cửa ở mức 1.376,87 điểm. Độ rộng thị trường thu hẹp so với phiên trước với tỷ lệ cổ phiếu tăng- giảm là 194-298. Giá trị giao dịch trên HOSE đạt 20.850 tỷ đồng trong khi giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 25.778 tỷ đồng, giảm 7,8% so với phiên liền trước.
Tỷ trọng phân bổ dòng tiền tiếp tục có sự dịch chuyển từ ngân hàng sang bất động sản. Cụ thể, ty trọng phân bổ dòng tiền vào nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục tăng 1,77% so với trung bình 1 tháng trước trong bối cảnh thanh khoản thị trường chung giảm. Xu hướng tìm đến cổ phiếu bất động sản của dòng tiền đã kéo dài 2 tuần gần đây.
Tuy nhiên, chỉ số giá ngành giảm 0,74% trong ngày hôm qua. Các cổ phiếu đáng chú ý nhất nhóm là VHM, IJC, NVL, DRH và LGL.
Khối tự doanh đảo chiều bán ròng, chủ yếu xả TCB và VPB
Thống kê giao dịch các bên trong phiên 23/6, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán đảo chiều bán ròng 189 tỷ đồng, trong đó bán ròng 159 tỷ đồng qua khớp lệnh.
Top mua ròng khớp lệnh của tự doanh phiên ngày hôm nay gồm VCB (12 tỷ đồng), E1VFVN30 (12 tỷ đồng), ngoài ra còn các mã ghi nhận giá trị bán ròng dưới 10 tỷ đồng như PNJ, BWE, DBC, NT2, HDC, DGC, PLX, DIG.
Ngược lại, khối tự doanh tập trung bán ròng cổ phiếu TCB (21 tỷ đồng), VPB (20 tỷ đồng), HPG (19 tỷ đồng), theo sau đó là VNM (15,5 tỷ đồng), VHM (14 tỷ đồng), MBB (14 tỷ đồng), VIC, STB, FPT, NVL, MSN.
Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.
Tổ chức trong nước tiếp tục bán ròng hơn 280 tỷ, tâm điểm vẫn là FLC
NĐT tổ chức trong nước tiếp đà bán ròng 282 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh thì họ bán ròng tới 440 tỷ đồng. Nhóm này mua ròng chủ yếu ngành ngân hàng và bán ròng chủ yếu ngành bất động sản.
Đáng chú ý, tâm điểm phía bán ròng trong phiên vẫn là cổ phiếu FLC với giá trị bán ròng 287 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổ chức trong nước còn rút vốn khỏi các mã AAA (27 tỷ đồng), DPR (17 tỷ đồng), DHC, GVR, TCB…
Diễn biến trái chiều, các tổ chức này mua ròng loạt mã ngân hàng như MBB (40 tỷ đồng), VCB (20 tỷ đồng), VPB (18 tỷ đồng), OCB. Ngoài ra, ghi nhận giá trị mua ròng còn có NLG, GMD, TDH, FPT…
Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.
Ngược lại, NĐT cá nhân gom tiếp trăm tỷ, rót gần 300 tỷ đồng cho mã FLC
NĐT cá nhân mua ròng 352 tỷ đồng, trong đó mua ròng khớp lệnh là 343 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, họ mua ròng 10/18 ngành, tập trung bất động sản. Top mua ròng của NĐT cá nhân tập trung vào FLC (299 tỷ đồng), VPB (57 tỷ đồng), VRE (41 tỷ đồng), TCB, SSI, VCI, HPG, VNM, DHC, AAA.
Diễn biến trái chiều, NĐT cá nhân bán ròng 8/18 ngành. Các cổ phiếu nổi bật tại chiều bán ròng có VHM (98 tỷ đồng), VCB (45 tỷ đồng), DXG (33 tỷ đồng), MBB, GAS, STB, PLX, GMD, PVT, NLG.
Thống kê cho thấy lực mua/bán ròng của nhà đầu tư cá nhân khá đối ứng với NĐT nước ngoài.
Khối ngoại trở lại mua ròng 155 tỷ, chủ yếu gom nhóm bất động sản
NĐT nước ngoài mua ròng 155 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ mua ròng 96 tỷ đồng.
Lực mua ròng khớp lệnh của nước ngoài tập trung vào ngành bất động sản. Top mua ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã VHM, STB, DXG, GAS, PVT, PLX, MSN, VIC, VCB, CTG.
Trong khi tại phía bán ròng khớp lệnh, họ bán chính nhóm dịch vụ tài chính. Top mua ròng theo thứ tự các mã sau VPB, VRE, SSI, VCI, BVH, E1VFVN, HSG, FLC, HAH, GIL.
Như vậy trong nhóm Vingroup, NĐT nước ngoài mua ròng hai mã VHM và VIC, bán ròng VRE. Ngày hôm qua là đại hội cổ đông của Vincom Retail, doanh nghiệp này thông qua mục tiêu lợi nhuận 9.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 2.500 tỷ đồng với tỷ trọng cho thuê bất động sản từ 84-85% và từ bán bất động sản là 13-15%.