Dòng tiền thông minh (23/9): Tự doanh CTCK mua ròng trăm tỉ bất chất khối ngoại 'xả' 357 tỉ đồng phiên quĩ ETFs cơ cấu danh mục
Ảnh hưởng từ hoạt động cơ cấu danh mục các ETFs, VN-Index dừng lại trước ngưỡng 1.000 điểm
Trước tình hình thế giới nhiều biến động, cũng như tác động của việc giảm lãi suất của NHNN Việt Nam, tâm lí nhà đầu tư vẫn khá thận trọng nhưng tích cực hơn tuần liền trước.
Mới đây, ngày 19/9, đàm phán Mỹ - Trung được nối lại cấp thứ trưởng , chuẩn bị cho vòng đàm phán cấp cao dự kiến đầu tháng 10 tại Mỹ.
Chỉ số duy trì sự hứng khởi của tuần trước với sự tăng giá phân lớp của nhiều nhóm cổ phiếu. VN-Index chỉ bị chặn lại tại ngưỡng tâm lý 1.000 điểm và điều chỉnh giảm giá trước hoạt động giao dịch của các ETFs trong phiên cuối tuần.
Thanh khoản thị trường tăng khả quan, đạt mức trung bình 3.282,8 tỉ, tăng 26% so với tuần trước.
Toàn thị trường ghi nhận 13/19 ngành tăng điểm. Nhóm ô tô và phụ tùng tăng điểm nhiều nhất (3,85%), tiếp đến là nhóm bán lẻ (3,2%) và dịch vụ tài chính. Ngược lại, các ngành giảm điểm nhiều nhất như bảo hiểm, viễn thông, du lịch và giải trí.
Khối tự doanh mua ròng 145 tỉ đồng, chủ yếu 'gom' EIB
Trong phiên giao dịch cuối tuần, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán tiếp tục mua ròng hơn 145 tỉ đồng với khối lượng 7,86 triệu đơn vị.
Nguồn: Ánh Hường tổng hợp
Đáng chú ý ở chiều mua vào, khối tự doanh tập trung giao dịch cổ phiếu EIB 100,26 tỉ đồng. Đây là mã duy nhất được khối này mua vào trên trăm tỉ đồng. Cùng chiều, cổ phiếu HPG được mua vào 11,79 tỉ đồng, GEX (10,34 tỉ đồng).
Kế đến, khối tự doanh mua mã PNJ (4,99 tỉ đồng), VNM (4,94 tỉ đồng), VIC (3,95 tỉ đồng). Mặt khác, cổ phiếu STB ghi nhận giá trị mua vào 3,82 tỉ đồng, REE (3,72 tỉ đồng) và MWG (3,37 tỉ đồng).
Trái xu hướng với nhóm trên, khối tự doanh bán ra GEX (12,38 tỉ đồng), DBD (5,25 tỉ đồng). Khối này cũng đặt áp lực bán ra lên các mã khác như FFPT, VNM, ITD, TCB…
Riêng chứng chỉ quỹ E1VFVN30 được khối tự doanh mua vào 18,8 tỉ đồng nhưng đồng thời ghi nhận giá trị bán ra 9,29 tỉ đồng.
Khối ngoại 'xả' 357 tỉ đồng phiên cuối tuần, thỏa thuận trăm tỉ mã VJC
Thống kê giao dịch khối ngoại trên HOSE, khối ngoại tiếp tục bán ròng 366,7 tỉ đồng với khối lượng 1,8 đơn vị. Trong đó, khối này bán ròng 352,9 tỉ đồng cổ phiếu và 13,6 tỉ đồng chứng chỉ quỹ ETF nội.
Top10 mã bị bán ròng nhiều nhất, nổi bật có VIC với giá trị 173,9 tỉ đồng. Bên cạnh đó, khối ngoại 'xả' trăm tỉ đồng NT2 (104,7 tỉ đồng). Cổ phiếu BVH ghi nhận giá trị bán ròng 98,3 tỉ đồng, VCB (80,6 tỉ đồng), VNM (71,2 tỉ đồng), NVL (56,5 tỉ đồng).
Top10 cổ phiếu có giá trị mua ròng cao nhất, đáng chú ý là mã VJC với giá trị 460,6 tỉ đồng. Phần lớn giá trị này đến từ giao dịch thỏa thuận cổ phiếu VJC diễn ra vào phiên thứ 6 (20/9) trị giá 306,6 tỉ đồng.
Ngoài ra, NĐT nước ngoài mua ròng một số cổ phiếu như SBT (11,4 tỉ đồng), HPG (8,3 tỉ đồng), và DXG (7,9 tỉ đồng).
Trên HNX, NĐT nước ngoài bán ròng 6,3 tỉ đồng với khối lượng 502.30 đơn vị. Khối ngoại tập trung bán ròng cổ phiếu CEO (8,1 tỉ đồng), theo sau là PVS (1,9 tỉ đồng), PVI (1,2 tỉ đồng). Ngược lại, cổ phiếu SCI được mua ròng 1,3 tỉ đồng, ngoài ra có TIG, BAX.
Diễn biến trái chiều tại UPCoM, khối ngoại mua ròng 15,6 tỉ đồng với khối lượng 229.887 cổ phiếu. Mã dẫn đầu chiều mua ròng là VEA với giá trị 7,6 tỉ đồng. Cùng với đó, dòng tiền ngoại tìm đến QNS (2,9 tỉ đồng), NTC (1,8 tỉ đồng), MFS (1,6 tỉ đồng) và ACV (1,2 tỉ đồng).
Phía bán ròng có cổ phiếu BSR ghi nhận giá trị 1,3 tỉ đồng. Một số mã khác bị bán ròng như OIL, CTR, BWS.
Đại học Tân Tạo muốn mua 10 triệu cổ phần ITA, tăng sở hữu tại Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo
Về thông báo giao dịch nổi bật trên hai sàn, CTCP Đại học Tân Tạo vừa đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu ITA của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo nhằm tăng tỉ lệ sở hữu tại công ty từ 7,87% lên 8,93% vốn điều lệ.
Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 24/9 đến 5/10 theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Được biết, Đại học Tân Tạo là doanh nghiệp liên quan đến bà Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch HĐQT của Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo. Bà Yến hiện cũng là cổ đông của Tân Tạo với tỉ lệ nắm giữ 5,79% vốn cổ phần.
Trong một diễn biến khác, CTCP Phát triển Hùng Hậu, tổ chức liên quan đến ông Trần Văn Hậu – Chủ tịch HĐQT CTCP Nông nghiệp Hùng Hậu (mã: SJ1) vừa thông tin muốn mua gần 3,6 triệu cổ phiếu SJ1 từ ngày 24/9 đến 16/10.
Phát triển Hùng Hậu đang là cổ đông lớn sở hữu 34,36% vốn điều lệ công ty. Nếu giao dịch thành công, tỉ lệ nắm giữ của Phát triển Hùng Hậu sẽ tăng lên 51,26% vốn cổ phần.