|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền thông minh 23/7: Nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ nổi sóng

07:39 | 23/07/2021
Chia sẻ
Vị thế của các bên tham gia thị trường giữ nguyên so với phiên trước đó. NĐT cá nhân tiếp tục là bên mua ròng duy nhất với giá trị vào ròng gần 680 tỷ đồng, bất chấp đà bán ròng của tự doanh, tổ chức trong nước và khối ngoại.

Dòng tiền hướng về nhóm vốn hóa nhỏ và vừa

Thị trường chứng khoán ngày 22/7 sớm lấy lại đà hồi phục sau nhịp rung lắc nhẹ vào đầu phiên và dần mở rộng biên độ tăng điểm về cuối phiên. VN-Index tăng 1,82%, đóng cửa ở mức 1.2937,6 điểm. Độ rộng thị trường cải thiện so với phiên trước với tỷ lệ cổ phiếu tăng/ giảm là 308/79.

Giá trị giao dịch trên HOSE đạt 16.683 tỷ đồng trong khi giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 19.739 tỷ đồng, tăng 10,4% so với phiên liền trước.

Tỷ trọng phân bổ dòng tiền chuyển hướng tăng mạnh vào nhóm bất động sản, hóa chất trong khi đó dòng tiền tiếp tục suy yếu ở nhóm ngân hàng. Riêng nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng chứng kiến dòng tiền đảo chiều giảm.

Giá trị giao dịch của nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình và vốn hóa nhỏ tăng lần lượt 37,7% và 51,9%, trong khi đó lực mua lên (buy up) áp đảo lực bán xuống (sell down) của cả hai nhóm này trong toàn phiên giao dịch.

Trong nhóm vốn hóa trung bình, các cổ phiếu giao dịch mạnh nhất chủ yếu là bất động sản. Top cổ phiếu có giá trị giao dịch lớn nhất là HSG, KBC, FLC, NLG, DIG, DXG. Tại nhóm vốn hóa nhỏ, top cổ phiếu giao dịch nhiều nhất là IJC, NKG, VPG, DGW, HAH, NTL, LHG, SMC, DPG và HDC.

Vị thế của các bên tham gia thị trường giữ nguyên so với phiên trước đó. Nhà đầu tư (NĐT) cá nhân tiếp tục là bên mua ròng duy nhất bất chấp đà bán ròng của tự doanh, tổ chức trong nước và khối ngoại.

Tự doanh và các tổ chức trong nước chưa dừng xả cổ phiếu ngân hàng

Trong các bên tham gia thị trường, khối tự doanh công ty chứng khoán duy trì bán ròng 194 tỷ đồng trong phiên VN-Index có sự cải thiện đáng kể về điểm số. Trong đó, nếu tính riêng kênh khớp lệnh thì họ bán ròng 152 tỷ đồng.

Về giao dịch cụ thể, tự doanh bán ròng chủ yếu ngành ngân hàng, đây là phiên bán ròng cổ phiếu ngân hàng thứ ba liên tiếp của khối này. Top cổ phiếu bị bán ròng gồm VIC (48,3 tỷ đồng), VCB (26,6 tỷ đồng) và ACB (20,4 tỷ đồng). Dòng vốn tự doanh còn rút khỏi chứng chỉ quỹ FUEVFVND và E1VFVND với giá trị lần lượt là 43,8 tỷ đồng và 15,6 tỷ đồng. Các mã FPT, SSI, BID, MWG và PNJ cũng bị nhóm này bán ròng với giá trị dưới 10 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, khối tự doanh công ty chứng khoán mua ròng chủ yếu ngành thực phẩm và đồ uống. Top mua ròng khớp lệnh của tự doanh phiên ngày hôm qua có giá trị vào ròng chưa tới 10 tỷ đồng. Các mã thu hút dòng vốn tự doanh theo thứ tự VHM, VNM, MSN, HDB, VRE, STB, BWE, GEX, HPG, DBC.

Dòng tiền thông minh 23/7: Nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ tăng mạnh hơn thị trường - Ảnh 1.

Top10 mã khối tự doanh mua/bán ròng ngày 22/7. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Cùng chiều tự doanh, NĐT tổ chức trong nước tiếp tục bán ròng 153 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh thì họ bán ròng 156 tỷ đồng.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức nội mua ròng 10/18 ngành, chủ yếu là bất động sản. Trong khi đó, họ bán ròng 6/18 ngành trong đó tập trung xả cổ phiếu ngành ngân hàng.

Top cổ phiếu được NĐT trong nước mua ròng có OCB, HPG, TCB, FLC, SSI, E1VFVN30, VHM, VIC, AGG, FUEVFVND. Top bán ròng có STB, VCI, VPB, POW, MBB, CTG, AB, LHG, NLG, MSB.

Khối ngoại giảm bán ròng còn hơn 500 tỷ đồng trong phiên VN-Index tăng điểm

NĐT nước ngoài bán ròng phiên thứ hai liên tiếp nhưng giá trị giảm 64% so với phiên trước, ở mức 519 tỷ đồng. Tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ bán ròng 107 tỷ đồng.

Giao dịch thỏa thuận tạo vị thế bán ròng mạnh của NĐT ngoại là giao dịch rút ròng 468 tỷ đồng cổ phiếu VIC với giá chủ yếu ở mức 111.000 đồng/cp, cao hơn giá đóng cửa trên thị trường 4,5%. Nhà đầu tư cá nhân trong nước là bên mua đối ứng.

Lực mua ròng khớp lệnh chính của nước ngoài tập trung vào nhóm thực phẩm & đồ uống. Top mua ròng khớp lệnh của khối này gồm các mã VNM, NVL, DXG, VHM, VCB, VRE, E1VFVN30, MBB, DGW, FUEVFVND. Trong đó, DGW tiếp tục nằm trong top mua ròng của nước ngoài, trong khi MBB được mua ròng phiên thứ 7 liên tiếp.

Bên phía bán ròng khớp lệnh, khối ngoại vẫn bán nhiều nhất cổ phiếu ngân hàng. Top bán ròng của nhóm này theo thứ tự các mã sau KDH, MSB, SSI, CTG, HPG, PDR, BMI, NLG, BID, HAH và KBC. Phía bán ròng có sự thay đổi vị thế ở HPG khi nước ngoài quay lại bán ròng, SSI cũng là cổ phiếu bị bán phiên thứ hai liên tiếp.

NĐT cá nhân tiếp tục xuống tiền nâng đỡ thị trường

NĐT cá nhân tiếp tục là bên mua ròng duy nhất trong phiên hôm qua. Trong đó, họ mua ròng 677 tỷ, trong đó giá trị vào ròng qua kênh khớp lệnh là 415 tỷ đồng.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, họ mua ròng 11/18 ngành, tập trung vào cổ phiếu ngân hàng. Top mua ròng của NĐT cá nhân gồm STB, KDH, MSB, CTG, VPB, VCI, SSI, ACB, PDR, NLG.

Trong khi đó, họ bán ròng 7/18 ngành cong lại, chủ yếu là nhóm thực phẩm đồ uống. Top cổ phiếu chịu áp lực bán ròng của nhóm này gồm VNM, VHM, OCB, NVL, DXG, FLC, TCB, DGW, VRE, GAS.

Top mua bán ròng của nhà đầu tư cá nhân chủ yếu là đối ứng với nước ngoài. Tuy nhiên họ cũng mua bán đối ứng với tổ chức trong nước và tự doanh.

Thu Thảo