Dòng tiền thông minh 23/6: Tự doanh rót vốn trở lại, khối ngoại tập trung xả cổ phiếu ngân hàng, bất động sản
VN-Index tăng điểm, sóng cổ phiếu ngân hàng trở lại
VN-Index đóng cửa phiên 22/6 tăng 0,53% đóng cửa ở mức 1.379,97 điểm. Độ rộng thị trường cải thiệni so với phiên trước với tỷ lệ cổ phiếu tăng - giảm là 189-204. Giá trị giao dịch trên HSX đạt 22.142 tỷ đồng trong khi giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 27.963 tỷ đồng, tăng 2,6% so với phiên liền trước.
Tỷ trọng phân bổ dòng tiền tiếp tục có sự thay đổi, dòng tiền vào nhóm xây dựng và vật liệu, trong khi đó cổ phiếu nhóm ngân hàng tăng điểm giúp lan tỏa tích cực toàn thị trường.
Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng bật tăng trở lại trong ngày hôm qua. Chỉ số nhóm ngành tăng 1,18% cho dù giá trị giao dịch vẫn đang ở mức thấp hơn trung bình một tháng.
Các cổ phiếu mạnh nhất ngành ngày hôm qua là MBB, CTG, ACB, MSB, LPB, HDB, OCB, STB. Trong đó, cổ phiếu MBB và CTG có câu chuyện phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và tăng vốn điều lệ, đã được ngân hàng nhà nước chấp thuận, ngày chốt quyền sắp được công bố.
Tự doanh trở lại mua ròng, giao dịch đối ứng với khối ngoại
Thống kê giao dịch các bên trong phiên 22/6, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán trở lại mua ròng nhẹ 10 tỷ đồng. Nếu tính riêng khớp lệnh, giá trị mua ròng của khối này là ròng 139 tỷ đồng. Khối tự doanh đóng vai trò mua bán đối ứng với nước ngoài ngày hôm qua.
Cụ thể, Top10 cổ phiếu mua ròng khớp lệnh của tự doanh phiên ngày hôm nay gồm VCB (48 tỷ đồng), MWG (25 tỷ đồng), TCB (17 tỷ đồng), VPB (13,4 tỷ đồng), VNM (13 tỷ đồng), FPT (11 tỷ đồng), PET, NVL, MSN, VHM.
Ngược lại, Top10 bị bán ròng có OCB (17 tỷ đồng), MSB (12 tỷ đồng), TPG (10 tỷ đồng), FUEVFVND, NKG, HDG, NBB, SAB, DGC, MBB.
Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.
Tổ chức trong nước bán ròng 327 tỷ đồng, chủ yếu xả FLC
NĐT tổ chức trong nước bán ròng 327 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh thì họ bán ròng 188 tỷ đồng. Các tổ chức mua ròng chủ yếu ngành tài nguyên cơ bản và bán ròng chủ yếu ngành bất động sản, ngân hàng.
Cụ thể hơn, các mã thu hút dòng vốn chủ yếu có TCB (17 tỷ đồng), GMD (13 tỷ đồng), NLG (12 tỷ đồng) và E1VFVN30 (11,6 tỷ đồng)…
Trong khi đó, tổ chức trong nước tập trung áp lực xả lên các mã như FLC (134,5 tỷ đồng), CTG (76 tỷ đồng), MBB (48 tỷ đồng), VIC (43 tỷ đồng). Mặt khác, những mã ghi nhận giá trị bán ròng còn có FCN, GEX, DPR, VHM…
Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.
NĐT cá nhân thu hẹp đà mua ròng còn 415 tỷ đồng, tập trung bất động sản và ngân hàng
NĐT cá nhân tiếp tục mua ròng 415 tỷ đồng, tuy nhiên lực mua ròng giảm mạnh so với phiên gom nghìn tỷ trước đó, trong đó nhóm này mua ròng khớp lệnh là 132 tỷ đồng.
Ghi nhận trong phiên có 8/18 ngành được khối này mua ròng, chủ yếu là bất động sản, ngân hàng. Top mua ròng của NĐT cá nhân tập trung lớn nhất là các cổ phiếu FLC, CTG, VPB, MBB, GEX, VRE, VIC, FCN, BID, DPR.
Diễn biến trái chiều, họ bán ròng 10/18 ngành, cụ thể các mã bị bán ròng có HPG, HDB, GAS, VCB, GMD, TCB, PLX, HCM, VNM, MWG. Top bán ròng của nhà đầu tư cá nhân khá tương ứng với top mua ròng của NĐT nước ngoài và ngược lại.
Khối ngoại giảm áp lực xả lên thị trường còn 435 tỷ đồng, trở lại mua ròng HPG
Về phía NĐT nước ngoài, hoạt động bán ròng áp đảo với giá trị 435 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì khối ngoại mua ròng ròng 57 tỷ đồng.
Áp lực bán ròng khớp lệnh của NĐT nước ngoài tập trung vào ngành ngân hàng, bất động sản. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã VPB, VRE, GEX, BID, BVH, NVL, PDR, MBB, AGG, PVT.
Phía mua ròng khớp lệnh, top mua ròng là ngành tài nguyên cơ bản. Top mua ròng theo thứ tự các mã HPG, HDB, GAS, GMD, PLX, VHM, HCM, VHC, KBC, VCI.
Đáng chú ý, nước ngoài đã quay lại mua ròng cổ phiếu HPG lần đầu tiên trong 8 ngày vừa qua. HPG là cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất thị trường trong năm 2021 với tổng mức bán ròng từ đầu năm tính đến phiên vừa qua là 12.622 tỷ đồng.