Dòng tiền thông minh 23/3: NĐT cá nhân bán ròng gần 500 tỷ đồng, tập trung chốt lời DGC phiên tăng trần
Với dư âm của nhịp tăng mạnh mẽ phiên đầu tuần, các chỉ số chính mở cửa phiên giao dịch hôm qua với sắc xanh chiếm ưu thế. Dòng tiền tiếp tục chảy vào thị trường đã giúp VN-Index nhanh chóng lấy lại mốc 1.500 điểm.
Tuy nhiên, diễn biến tích cực không kéo dài được xuyên suốt cả phiên, áp lực bán bắt đầu dâng cao ở một vài nhóm cổ phiếu lớn đã kìm hãm đà tăng của chỉ số. Kết phiên, VN-Index tăng 8,83 điểm, tương đương 0,59% và chốt tại 1.503,78 điểm.
Giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt 28.437 tỷ đồng, tính chung toàn thị trường thì thanh khoản đạt 34.103 tỷ đồng, tăng 16,9% so với phiên liền trước.
Diễn biến chốt lời cũng xảy ra ở nhóm VN30, mặc dù trong nhóm sắc xanh vẫn rất áp đảo với 22 mã tăng/4 mã giảm. Nhóm có bước tăng mạnh nhất là STB (+2,9%), MSN (+2,4%), NVL (+2,1%), POW (+1,9%), TPB (+1,5%)… Ngược lại, cổ phiếu yếu nhất nhóm gồm VJC (-1,7%), theo sau là KDH (-0,9%), VNM (-0,9%) và BID (-0,7%).
Về vận động của các nhóm ngành, bất động sản, dầu khí đã có khởi đầu rất thuận lợi, tuy nhiên, đứng trước áp lực chốt lời, nhiều cổ phiếu nhóm này đã không thể giữ được độ cao và quay đầu. Trong khi đó, nhóm thu hút dòng tiền tốt nhất lại là nhóm nông-lâm-ngư nghiệp, khai khoáng và hóa chất. Nhóm thép cũng bất ngờ có diễn biến tích cực vào cuối phiên.
Tổ chức trong nước đảo chiều bán ròng, tâm điểm FLC
Phiên giao dịch thứ Ba (22/3), NĐT tổ chức trong nước đảo chiều bán ròng 75,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu tính riêng khớp lệnh thì họ gom ròng 191,1 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức trong nước bán ròng 5/18 ngành với giá trị lớn nhất đặt tại nhóm bất động sản. Top bán ròng có FLC, DPM, CII, CTD, DXG, STB, SSI, PVD, SHB, FUEVFVND.
Trong khi đó, dòng tiền của NĐT tổ chức trong nước chủ yếu tìm đến cổ phiếu của các nhà băng. Thống kê của FiinTrade cho thấy ngành ngân hàng đã có phiên giao dịch tích cực với chỉ số toàn ngành tăng 0,61% với một số cổ phiếu lọt vào top đột phá như STB, SHB, LPB, TPB, TCB.
Trong 5 cổ phiếu có giá trị giao dịch cao nhất của ngành chỉ có SHB đóng cửa giảm điểm, tất cả còn lại tăng điểm. Trong khung thời gian 1 tuần chỉ có 2/27 cổ phiếu ngân hàng giảm điểm là EIB và VBB. Tuy nhiên, tính trong vòng 1 tháng thì có tới 21/27 mã cổ phiếu ngân hàng giảm điểm. Điều này cho thấy giá cổ phiếu ngân hàng có xu hướng hồi phục trong tuần gần đây.
Trở lại với giao dịch của tổ chức nội, Top mua ròng của khối này gồm có GEX, FPT, MBB, E1VFVN30, ACB, DGC, EIB, TVB, KBC, ROS.
NĐT cá nhân bán ròng còn gần 500 tỷ đồng, tập trung chốt lời DGC phiên tăng trần
Trong phiên VN-Index vượt mốc 1.500 điểm, NĐT cá nhân duy trì bán ròng phiên thứ 3 liên tiếp, tuy nhiên quy mô rút vốn đã giảm đáng kể so với phiên trước. Cụ thể, họ bán ròng 465 tỷ đồng, trong đó họ xả ròng 643 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, cá nhân trong nước mua ròng 5/18 ngành, chủ yếu gom cổ phiếu của các công ty chứng khoán. Top mua ròng của NĐT cá nhân tập trung tại các mã NVL, FLC, VNM, VND, CII, CTD, CTG, SSI, BID, E1VFVN30.
Bên phía bán ròng khớp lệnh, NĐT cá nhân bán ròng 13/18 ngành còn lại, chủ yếu là nhóm ngành ngân hàng, hóa chất. Top bán ròng có DGC, GEX, VRE, VHM, MSN, KBC, STB, PNJ, FPT.
Theo quan sát, hoạt động rút vốn tại cổ phiếu DGC của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang bỏ xa các mã còn lại trong Top10 với giá trị hơn 270 tỷ đồng. Có thể thấy động thái chốt lời mạnh mẽ của NĐT cá nhân diễn ra khi giá cổ phiếu DGC bật tăng trần lên vùng đỉnh cao mới, hiện dừng ở mốc 213.400 đồng/cp.
Khối ngoại duy trì mua ròng hơn 540 tỷ đồng
Về phía NĐT nước ngoài, họ mua ròng 541 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ gom ròng 449 tỷ đồng.
Mua ròng khớp lệnh chính của nước ngoài là nhóm hóa chất, ngân hàng. Top mua ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: DGC, STB, VRE, VHM, MSN, GEX, GAS, KBC, PNJ, DPM.
Tại phía bên bán ròng khớp lệnh, NĐT ngoại chủ yếu rút vốn khỏi cổ phiếu dịch vụ tài chính. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã NVL, E1VFVN30, VNM, VND, CTG, FRT, DIG, FLC, PVT.