Dòng tiền thông minh 23/10: Tự doanh mua ròng đột biến hơn 400 tỉ đồng phiên VN-Index bứt phá
Dòng tiền thông minh hướng đến đâu phiên VN-Index tăng gần 11 điểm?
Lực mua cuối phiên xuất hiện trên phần lớn các cổ phiếu, khiến cho sắc xanh hầu như bao phủ toàn thị trường vào thời điểm cuối phiên giao dịch ngày hôm qua. Trên sàn HOSE có tổng cộng 251 mã tăng điểm trong khi chỉ có 151 mã đóng cửa trong sắc đỏ.
Cũng như những phiên giao dịch gần đây thì nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn giữ vai trò dẫn dắt thị trường trong phiên, điều này thể hiện qua chỉ số VN30 tăng mạnh 1,35% và có đến 24 mã tăng điểm trong rổ cổ phiếu này.
Về diễn biến của các nhóm ngành là sự đối lập với phiên hôm qua khi hầu hết các nhóm ngành đều có chung một trạng thái tích cực.
Trong đó, giá trị giao dịch nhóm ngân hàng gần 2.200 tỉ đồng, bất động sản vượt 1.000 tỉ đồng. Ngoài ra, dòng tiền tập trung tại cổ phiếu dịch vụ tài chính.
Điểm trừ trong phiên tăng điểm mạnh của VN-Index là thanh khoản giao dịch đã sụt giảm một cách đáng kể. Giá trị giao dịch trên sàn HOSE chỉ đạt 7.308 tỉ đồng, giảm 14,5% so với bình quân 15 phiên giao dịch gần nhất.
Điều này cho thấy lực mua vào cuối phiên không đến từ đại đa số các nhà đầu tư mà chỉ đến từ số ít các dòng tiền trên thị trường.
Khối tự doanh tăng mạnh mua ròng hơn 400 tỉ đồng
Thống kê giao dịch phiên vừa qua, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán mua ròng hơn 407 tỉ đồng với khối lượng gần 12 triệu đơn vị. Giá trị mua ròng của khối tự doanh tăng đột biến, gấp 2,5 lần so với phiên trước đó.
Top10 cổ phiếu được khối tự doanh mua nhiều, hai mã VNM và HPG dẫn đầu với giá trị lần lượt 75,6 tỉ đồng và 75,2 tỉ đồng. Bên cạnh đó, khối này rót vốn cho một số cổ phiếu ngân hàng gồm TCB (52,6 tỉ đồng), VCB (38,6 tỉ đồng) và VPB (36 tỉ đồng).
Ngoài ra, dòng vốn tự doanh tìm đến mã SHI (36,8 tỉ đồng), MWG (30,2 tỉ đồng), VIC (21,6 tỉ đồng), VHM (21,4 tỉ đồng) và FPT (19,7 tỉ đồng).
Top10 mã chịu áp lực bán ra, khối tự doanh tập trung thoái vốn khỏi EIB (48 tỉ đồng) và MWG (12 tỉ đồng).
Các mã còn lại cùng chiều đều ghi nhận giá trị bán dưới 10 tỉ đồng. Đơn cử, khối tự doanh rút vốn khỏi chứng chỉ quĩ FUEVFVND (6 tỉ đồng), VPB (4,6 tỉ đồng), E1VFVN30 (4 tỉ đồng). Ngoài ra, các mã ghi nhận giá trị bán ra như MBB, VNM, FUEVN100 và FPT.
Ngược lại, khối ngoại tiếp tục xả hơn 600 tỉ đồng toàn thị trường
Về giao dịch khối ngoại trên HOSE, hoạt động bán ròng tiếp tục áp đảo với giá trị 601 tỉ đồng cùng khối lượng 14,5 triệu đơn vị, tập trung xả cổ phiếu.
Dẫn đầu phía bán ròng, cổ phiếu MSN ghi nhận giá trị 209,69 tỉ đồng, theo sau là VNM (119,65 tỉ đồng). Dòng vốn ngoại trong phiên còn rút vốn khỏi nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng như CTG (58,47 tỉ đồng), VCB (42,08 tỉ đồng) và HDB (19,19 tỉ đồng).
Ngoài ra, các cổ phiếu khác ghi nhận giá trị bán ròng có KDH (36,94 tỉ đồng), VHM (32,28 tỉ đồng), HSG (17,18 tỉ đồng), VRE (16,73 tỉ đồng) và NVL (10,29 tỉ đồng).
Ở chiều mua ròng, sàn HOSE ghi nhận không có mã nào có giá trị vượt 10 tỉ đồng. Theo đó, cổ phiếu DCM dẫn đầu top mua ròng với 6,82 tỉ đồng, kế đến là chứng chỉ quĩ FUEVFVND (6,05 tỉ đồng) và mã VHC (5,56 tỉ đồng).
Cùng chiều, khối ngoại gom thêm cổ phiếu GVR (4,69 tỉ đồng), EIB (3,85 tỉ đồng), chứng chỉ quĩ FUESSV30 (3,72 tỉ đồng) và MBB (3,46 tỉ đồng). Ba mã cuối cùng lọt top mua ròng trong phiên là cổ phiếu PLX và hai chứng chỉ quĩ FUEVN100 và E1VFVN30 với giá trị thấp hơn.
Trên sàn HNX, NĐT nước ngoài trở lại bán ròng hơn 4,7 tỉ đồng với khối lượng 231.020 đơn vị. Về giá trị cụ thể, khối ngoại tập trung rút vốn khỏi cổ phiếu VCS (3,7 tỉ đồng), kế đến là hai mã PVS (2,5 tỉ đồng) và SHB (2,4 tỉ đồng). Ngoài ra, NĐT nước ngoài bán ròng các cổ phiếu VCG (1,8 tỉ đồng), BVS (1,4 tỉ đồng),..
Ngược lại, cổ phiếu SHS dẫn đầu top mua ròng với giá trị 6,5 tỉ đồng, theo sau là mã IDV (1,1 tỉ đồng).
Tại thị trường UPCoM, NĐT nước ngoài mua ròng hơn 552 triệu đồng nhưng bán ròng với khối lượng 78.943 cổ phiếu. Trong đó, khối ngoại chủ yếu gom mã ACV với giá trị 1,8 tỉ đồng nhưng rút vốn khỏi cổ phiếu MSR (1,3 tỉ đồng).
Mẹ ông Nguyễn Văn Tuấn đăng kí mua 15 triệu cp GEX
Thông tin giao địch dáng chú ý trong phiên, bà Đào Thị Lơ – mẹ của Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Tuấn vừa đăng kí mua 15 triệu cổ phiếu GEX. Hiện nay bà Lơ không sở hữu cổ phiếu GEX nào. Nếu giao dịch thành công, bà Lơ sẽ nắm giữ 3,19% vốn điều lệ của Gelex.
Phương thức giao dịch có thể là khớp lệnh hoặc thỏa thuận, thời gian mua vào từ 22/10 đến 21/11/2020.
Bên cạnh đó, ông Dương Hữu Hiếu, Tổng giám đốc CTCP Thương mại và khai thác khoáng sản Dương Hiếu muốn gom thêm 1 triệu cp DHM trong thời gian từ 27/10 - 25/11. Ông Hiếu dự kiến tăng số cp DHM sở hữu từ 6,63 triệu lên 7,63 triệu đơn vị.