|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền thông minh 21/12: Tự doanh trở lại rót 280 tỷ đồng vào thị trường phiên cuối tuần

08:00 | 21/12/2020
Chia sẻ
Chuyển động dòng tiền thông minh 21/12, khối tự doanh công ty chứng khoán chấm dứt chuỗi 4 phiên xả liên tiếp, đảo chiều gom hơn 280 tỷ đồng. Cùng với đó, khối ngoại cũng trị ghi nhận gần 50 tỷ đồng giá trị mua ròng.

Thanh khoản duy trì ở mức cao

VN-Index áp sát ngưỡng cản 1.070 điểm với thanh khoản duy trì ở mức cao. Khối ngoại mua ròng và dòng tiền tiếp tục đổ vào các cổ phiếu ngân hàng như TCB, VPB, VCB và BID giúp VN-Index vượt tiếp cận ngưỡng 1.070 điểm. Độ rộng thị trường nới rộng khi có 268 cổ phiếu tăng so với 102 cổ phiếu giảm.

Dòng tiền vận động rõ rệt theo ngành tập trung vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, khu công nghiệp và một số nhóm cổ phiếu nhỏ khác. Xu hướng tăng điểm dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng với ngưỡng hỗ trợ mới tại ngưỡng 1.070 điểm sau khi bứt phá thành công trong tuần tới.

Thông tin đáng lưu ý trong tuần vừa qua là sự kiện Việt Nam đang nằm trong danh sách thao túng tiền tệ của Mỹ. Theo phân tích từ Chứng khoán BSC, về ngắn hạn, xét trên dữ liệu lịch sử từ các quốc gia khác, thông tin tiêu cực này thường chỉ có tác động ngắn hạn nhiều nhất đến một tuần, phần lớn là hồi phục trong phiên sau đăng tin. Điều này cũng đang diễn ra tương tự với thị trường chứng khoán ở Việt Nam.

Khối tự doanh trở lại mua ròng 280 tỷ đồng phiên cuối tuần

Thống kê giao dịch trong phiên 18/12, khối tự doanh công ty chứng khoán chấm dứt chuỗi 4 phiên xả liên tiếp, đảo chiều mua ròng hơn 280 tỷ đồng, tuy nhiên bán ròng khối lượng 7,5 triệu đơn vị.

Dòng tiền thông minh 21/12: Tự doanh trở lại rót 280 tỷ đồng vào thị trường phiên cuối tuần - Ảnh 1.

(Nguồn: Thu Thảo tổng hợp từ Fiinpro)

Top10 cổ phiếu đạt giá trị mua ròng cao nhất, mã VPB dẫn đầu với 52,9 tỷ đồng. Theo sau đó, khối tự doanh mua ròng HPG (50 tỷ đồng), MWG (34,6 tỷ đồng), FPT (32,5 tỷ đồng).

Cùng chiều, dòng vốn tự doanh còn tìm đến cổ phiếu VNM (29 tỷ đồng), VIC (25,5 tỷ đồng), VHM (23,4 tỷ đồng) và PNJ (18,5 tỷ đồng). Hai mã còn lại trong nhóm mua ròng là CTG và TCB lần lượt ghi nhận giá trị 16,8 tỷ đồng và 15,1 tỷ đồng.

Top10 mã bị bán ròng, khối tự doanh tập trung rút ròng 112,2 tỷ đồng cổ phiếu SCR. Đây là mã duy nhất bị bán ròng trên trăm tỷ đồng phiên cuối tuần qua.

Bên cạnh đó, khối này rút vốn khỏi loạt chứng chỉ quỹ gồm E1VFVN30 (28,5 tỷ đồng), FUEVFVND (11,5 tỷ đồng) và FUEMAV30 (3 tỷ đồng). Các cổ phiếu khác cùng chiều bán ròng ghi nhận giá trị thấp hơn như POW, MBB, HCM, TDH, VHC và DRC.

Khối ngoại rót vốn nhóm ngân hàng trong khi tiếp tục bán ròng HPG

Về giao dịch khối ngoại, hoạt động mua ròng áp đảo, giá trị ghi nhận gần 50 tỷ đồng nhưng bán ròng khối lượng 1,6 triệu đơn vị trên toàn thị trường.

Thống kê trên sàn HOSE, khối ngoại mua ròng nhẹ 47 tỷ đồng nhưng bán ròng với khối lượng 603.400 đơn vị. Trong đó, khối này mua ròng cổ phiếu TPB 124,5 tỷ đồng. Cùng phiên này xuất hiện giao dịch thoả thuận hơn 5 triệu mã TPB với tổng giá trị khoảng 116 tỷ đồng.

Cùng chiều, NĐT nước ngoài còn gom các cổ phiếu ngân hàng khác như MBB (58,3 tỷ đồng), BID (45 tỷ đồng), VCB (27,8 tỷ đồng) và VPB (25,7 tỷ đồng).

Một số mã khác cũng thuộc top mua ròng như VHM (51,9 tỷ đồng), VRE (51,8 tỷ đồng), MSN (34,8 tỷ đồng), chứng chỉ quỹ E1VFVN30 (29 tỷ đồng) và HDG (26,4 tỷ đồng).

Khối này cũng tạo áp lực thoái ròng lên một số mã khác như KDH (25,4 tỷ đồng), VHC (20,8 tỷ đồng), VIC (17,4 tỷ đồng) và LCG (14,8 tỷ đồng).

Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng nhẹ 555 triệu đồng với khối lượng 147.291 đơn vị. Tại chiều bán ròng, khối ngoại chủ yếu xả hai cổ phiếu RCL và APS với giá trị lần lượt là 1,4 tỷ đồng và 1,2 tỷ đồng.

Chiều ngược lại, các mã được khối ngoại gom nhiều nhất là TAR, SZB, HAD.. tuy nhiên sàn HNX không ghi nhận cổ phiếu nào có giá trị mua ròng trên 1 tỷ đồng.

Trên thị trường UPCoM, khối ngoại trở lại mua ròng 2,6 tỷ đồng nhưng bán ròng với khối lượng 856.163 cổ phiếu.

Về giá trị cụ thể, cổ phiếu ACV dẫn đầu chiều mua ròng với giá trị 13,7 tỷ đồng. Dòng vốn ngoại còn tìm đến các cổ phiếu MCH (4 tỷ đồng), LTG (1,7 tỷ đồng), NTC (1,5 tỷ đồng). Một số mã khác được NĐT nước ngoài gom có VRG (1,1 tỷ đồng), MIG (1,1 tỷ đồng), VTP (1 tỷ đồng)...

Trong khi đó, MSR là mã chịu áp lực bán ròng mạnh nhất từ khối này với giá trị đột biến gần 24 tỷ đồng.

Thu Thảo