Dòng tiền thông minh 20/12: NĐT cá nhân tập trung mua ròng đối ứng với khối ngoại phiên quỹ ETF cơ cấu
Kết thúc phiên giao dịch thứ Sáu (17/12), VN-Index tăng 0,22% đóng cửa ở mức 1.360,94 điểm.
Giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt 34.249 tỷ đồng, tính chung toàn thị trường thì giá trị giao dịch đạt 41.573 tỷ đồng, tăng 29,3% so với phiên liền trước. Theo quan sát, dòng tiền tăng vào nhóm bất động sản, thực phẩm & đồ uống, thép, trong khi giảm ở nhóm chứng khoán, ngân hàng và ô tô & phụ tùng.
Như vậy, thị trường đã duy trì tăng điểm tuần thứ hai liên tiếp, quay trở lại vùng tích lũy đỉnh 1.460 - 1.480 điểm với thanh khoản cải thiện. Tính chung tuần giao dịch, VN-Index tăng 1,1% tuy nhiên đà tăng chỉ tập trung vào phiên đầu tuần và giằng co đi ngang trong 4 phiên còn lại.
Hợp đồng tương lai đáo hạn và các ETFs cơ cấu danh mục quý IV đã kìm hãm đà tăng ở các cổ phiếu có quy mô lớn và dòng tiền nhanh chóng tìm cơ hội tại các lớp cổ phiếu vừa và nhỏ có tính đầu cơ cao.
Thị trường chung duy trì độ rộng tích cực với nhiều nhóm ngành nhỏ như ô tô phụ tùng, xây dựng và bất động sản có mức tăng từ 3,7 - 7,7%. Mặc dù chưa thể vượt 1.480 điểm, diễn biến luân chuyển nhanh của dòng tiền trong tuần qua vẫn khá tích cực.
Tự doanh bán ròng nhẹ
Trong phiên giao dịch cuối tuần, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán duy trì bán ròng phiên thứ 5 liên tiếp. Tuy vậy đây là phiên rút vốn nhẹ nhất trong tuần với giá trị bán ròng hơn 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu tính riêng kênh khớp lệnh thì họ mua ròng 111,7 tỷ đồng.
Trong đó, tự doanh mua ròng 10/18 ngành với nhóm được mua ròng mạnh nhất là ngân hàng, bất động sản. Top mua ròng của tự doanh phiên ngày thứ Sáu là VIC, VCG, FLC, VHM, FUEVFVND, FPT, VNM, TCB, ACB, MSN.
Bên phía bán ra, tự doanh chủ yếu bán ròng cổ phiếu ngành tài nguyên cơ bản với đại diện là nhóm thép. Top10 mã bị bán ròng gồm MWG, VPB, HDB, GAS, VRE, KDH, CII, REE, VGC, SSI.
Tổ chức trong nước tiếp tục mua ròng gần 150 tỷ đồng phiên hồi phục
Giao dịch trái chiều tự doanh, NĐT tổ chức trong nước chuyển hướng mua ròng 145,3 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh thì họ mua ròng 510 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức trong nước bán ròng 3/18 ngành với giá trị lớn nhất là nhóm xây dựng và vật liệu. Top10 mã bị bán ròng mạnh nhất có VHM, NLG, ROS, PVD, HAG, HDC, SHB, POW, KSB, HBC.
Trong khi đó, dòng tiền của NĐT tổ chức trong nước chủ yếu tìm đến cổ phiếu của các nhà băng. Top mua ròng có KBC, VPB, VCB, DXG, FPT, GEX, DIG, FUESSV50, TPB, MWG.
NĐT cá nhân mua ròng đối ứng với nước ngoài
Trong phiên VN-Index tiếp đà hồi phục, NĐT cá nhân tiếp tục gom ròng 558,1 tỷ đồng, trong đó họ mua ròng khớp lệnh là 46,8 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, cá nhân trong nước mua ròng 8/18 ngành, chủ yếu gom cổ phiếu ngành ngân hàng. Top mua ròng của NĐT cá nhân tập trung tại các mã VPB, HPG, MSN, VCB, NVL, CII, VHM, PDR, NLG, HDB.
Phía bán ròng khớp lệnh, NĐT cá nhân bán ròng 10/18 ngành còn lại với áp lực rút vốn chủ yếu là nhóm bất động sản, dịch vụ tài chính. Top bán ròng có VND, VIC, DXG, KBC, DIG, DGC, ITA, FPT, VRE.
NĐT nước ngoài bán ròng vào ngày tái cơ cấu, tập trung xả VPB, VCB, HPG
Về phía NĐT nước ngoài, họ bán ròng 725,4 tỷ đồng, trong đó họ xả ròng 668,4 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.
Mua ròng khớp lệnh chính của NĐT ngoại là nhóm bất động sản, dịch vụ tài chính. Top mua ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: VND, VIC, DGC, DIG, CTG, DXG, VRE, ITA, KDH, VHC. Theo quan sát, NĐT nước ngoài đã mua ròng cả 3 cổ phiếu họ Vingroup trong VN30, trong đó mua mạnh nhất là VIC.
Tại phía bán ròng khớp lệnh, NĐT ngoại chủ yếu rút vốn khỏi nhóm ngân hàng. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: VPB, VCB, HPG, MSN, NVL, PDR, HDB, VNM, HSG.