Dòng tiền thông minh 18/6: Tự doanh CTCK bán ròng 174 tỉ đồng phiên thứ ba liên tiếp
Nhóm bất động sản và ngân hàng tiếp tục hút vốn, dòng tiền chuyển hướng cổ phiếu ngành kim loại
Sau hai phiên biến động mạnh, thị trường đang có dấu hiệu bình ổn lại. VN-Index dao động với biên độ thấp quanh ngưỡng 855 điểm trong cả phiên giao dịch. Dòng tiền thị trường suy yếu khi chỉ có 7/19 nhóm ngành tăng điểm.
Tuy nhiên, khối ngoại vẫn tiếp tục xu hướng mua ròng trên sàn HOSE và bán ròng nhẹ trên sàn HNX. Điều này đã góp phần hạn chế đà giảm của VN-Index.
Kết phiên, VN-Index giảm 1,69 điểm (0,2%) về 854,44 điểm, HNX-Index giảm 1,92% về 113,27 điểm, UPCoM-Index giảm 0,36% về 55,88 điểm.
Dòng tiền tiếp tục tập trung tại nhóm bất động sản và ngân hàng, ngoài ra có sự chuyển hướng sang cổ phiếu nhóm kim loại.
Thanh khoản thị trường suy giảm, biên độ dao động thu hẹp và độ rộng thị trường tiêu cực cho thấy tâm lý cẩn trọng của các nhà đầu tư.
Nguyên nhân của hiện tượng này có thể là do nhiều nhà đầu tư dự đoán VN-Index có biến động mạnh trong hai phiên cuối tuần khi HĐTL VN30 tháng 6 đáo hạn vào hôm nay và quĩ ETFs kết thúc cơ cấu danh mục vào thứ 6.
Tự doanh CTCK bán ròng 174 tỉ đồng ba phiên liên tiếp
Thống kê giao dịch trong phiên vừa qua, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán bán ròng phiên thứ ba liên tiếp với giá trị 173,6 tỉ đồng và khối lượng 6,8 triệu đơn vị.
Tại giao dịch chứng chỉ quĩ, khối tự doanh bán mạnh mã FUEVFVND (30,3 tỉ đồng) nhưng mua vào E1VFVN30 (5,19 tỉ đồng).
Top10 mã bán ra, cổ phiếu chịu áp lực nhiều nhất từ tự doanh là VNM (21,74 tỉ đồng), theo sau là cổ phiếu TCB (18,83 tỉ đồng) và VPB (16,55 tỉ đồng). Mặt khác, khối tự doanh bán mạnh mã VIC (13,62 tỉ đồng), VCB (13,31 tỉ đồng), và HPG (13,27 tỉ đồng).
Cùng chiều, hai mã MWG và FPT lần lượt ghi nhận giá trị bán 10,61 tỉ đồng và 10,51 tỉ đồng. Cổ phiếu VHM cũng lọt top bán ra với giá trị 9,71 tỉ đồng.
Ngược lại, Top10 mua vào, cổ phiếu PTB dẫn đầu với 14,03 tỉ đồng, ngoài ra còn HPG cũng ghi nhận giá trị mua trên 10 tỉ đồng (11,94 tỉ đồng).
Bên cạnh đó, khối tự doanh rót vốn dưới 10 tỉ đồng vào các mã khác như MBB, FPT, MWG, VCB, STB, VHM và VPB.
Dòng vốn ngoại rót hơn trăm tỉ đồng vào thị trường phiên điều chỉnh
Về phía khối ngoại, sàn HOSE ghi nhận giá trị mua ròng gần 99,1 tỉ đồng với khối lượng 25 triệu đơn vị. Trong đó, khối ngoại tập trung mua vào cổ phiếu PLX 54,01 tỉ đồng. Theo sau đó, dòng vốn ngoại tìm đến VHM (50,6 tỉ đồng), VRE (36,46 tỉ đồng).
Ngoài ra, NĐT nước ngoài mua vào chứng chỉ quĩ FUEVFVND (30,29 tỉ đồng) và cổ phiếu HPG (12,23 tỉ đồng). Các mã còn lại ghi nhận giá trị dưới 5 tỉ đồng như cổ phiếu BMP (4,26 tỉ đồng), NVL (3,61 tỉ đồng), NT2 (3,24 tỉ đồng), ngoài ra còn có TLG, TDM.
Phía bán ròng, dẫn đầu là mã VCB với giá trị 13,63 tỉ đồng, kế đến là DBC với giá trị 10,17 tỉ đồng. Đây là hai mã đạt giá trị bán ròng trên 10 tỉ đồng phiên giao dịch hôm nay. Theo sau đó, NĐT nước ngoài tạo áp lực bán ra lên cổ phiếu MSN (9,88 tỉ đồng) và HBC (9,82 tỉ đồng).
Cùng chiều bán ròng, các mã ghi nhận giá trị dưới 10 tỉ đồng còn có GAS (7,57 tỉ đồng), VJC (7,2 tỉ đồng), HDB (5,82 tỉ đòng). Bên cạnh đó dòng vốn ngoại rút khỏi các mã HSG, HCM, VNM.
Giao dịch trên HNX, NĐT nước ngoài rút ròng 385 triệu đồng với khối lượng 74.666 cổ phiếu. Tại phía bán ròng, cổ phiếu SHS dẫn đầu với giá trị gần 1,2 tỉ đồng. Ở chiều mua ròng, VCS là mã duy nhất ghi nhận giá trị mua ròng trên 1 tỉ đồng.
Trên UPCoM, khối ngoại mua ròng gần 1,6 tỉ đồng nhưng bán ròng khối lượng 34.414 đơn vị. Theo đó, NĐT nước ngoài mua ròng hơn 3 tỉ đồng cổ phiếu VEA và 2 tỉ đồng mã VTP. Dòng vốn ngoại trong phiên rút ròng khỏi mã KDF (2,9 tỉ đồng).
Lãnh đạo và nội bộ doanh nghiệp đăng kí giao dịch những mã nào?
Đáng chú ý, Công ty TNHH MTV Masan Beverage (MSB), một đơn vị thành viên của CTCP Tập đoàn Masan vừa công bố thông tin muốn mua 401.000 cổ phiếu VCF - CTCP Vinacafé Biên Hòa trong thời gian từ ngày 17/6 đến 16/7. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thúc thỏa thuận hoặc khớp lệnh.
Hiện, Masan Beverage đang sở hữu 26,18 triệu cổ phiếu VCF, tương đương 98,49% vốn điều lệ Vinacafé Biên Hòa. Nếu lần mua vào này thành công, đơn vị thành viên của Tập đoàn Masan sẽ nâng tỉ lệ nắm giữ tại công ty con lên 100%, chính thức thâu tóm trọn Vinacafé Biên Hòa.