Dòng tiền thông minh 17/11: NĐT cá nhân đảo chiều gom hơn 900 tỷ đồng phiên điều chỉnh, tập trung DGC, HPG
Cú đảo chiều trong phiên thứ Hai đầu tuần khiến nhà đầu tư nhạy cảm và dè dặt hơn trong ngày hôm qua. Ngay đầu phiên, VN-Index đã nằm trong vùng giá đỏ với đà bán diễn ra tương đối vượt trội ở một số nhóm cổ phiếu tăng nóng, qua đó tạo hiệu ứng tâm lý giảm chung.
Tuy rằng có thời điểm lực cầu mạnh xuất hiện đã giúp thu hẹp đà giảm, nhưng vẫn không giúp cho VN-Index tránh khỏi phiên điều chỉnh. Kết phiên, chỉ số chính đóng cửa tại 1.466,4 điểm, giảm 10,1 điểm, tương ứng 0,7% so với phiên giao dịch ngày hôm trước.
Với phiên điều chỉnh ở mức khá như hôm nay, nhóm bất động sản midcap & penny tăng nóng thời gian qua điều chỉnh mạnh nhất, như DIG, HQC, HDC, TDC, SCR, IJC, NLG, KDH. Trong khi đó nhóm vật liệu xây dựng diễn biến trái chiều khi nhóm thép, CII, LCG, CTD, giảm mạnh nhưng DPG, HBC, VCG, BCC, HT1 lại tăng mạnh.
Về thanh khoản, giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt 34.611 tỷ đồng, giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 42.220 tỷ đồng, giảm 0,9% so với phiên liền trước. Trong đó, tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào nhóm ngân hàng, bất động sản, hàng & dịch vụ công nghiệp, trong khi giảm ở nhóm chứng khoán, dầu khí, bán lẻ.
Tự doanh đảo chiều bán ròng, tập trung rút vốn khỏi MSN, VND, HPG
Trong phiên vừa qua, khối tự doanh công ty chứng khoán chuyển hướng bán ròng 148,8 tỷ đồng. Nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ rút ròng 37,9 tỷ đồng.
Trong đó, khối tự doanh giải ngân vào 8/18 ngành và nhóm được mua ròng mạnh nhất là ngân hàng, bán lẻ. Top mua ròng khớp lệnh của tự doanh phiên ngày hôm qua gồm FPT, MWG, VGC, FUEVFVND, PNJ, KDH, PAN, FLC, ACB, VPB.
Bên phía bán ra, tự doanh chủ yếu bán ròng cổ phiếu của các doanh nghiệp thực phẩm & đồ uống với giá trị hơn 63 tỷ đồng. Top10 mã bị bán ròng gồm FUEVFVND, MSN, VND, HPG, DGC, PTB, HAG, PET, VNM, DGW.
Tổ chức trong nước bán ròng gần 970 tỷ đồng
Giao dịch cùng chiều tự doanh, NĐT tổ chức trong nước quay đầu bán ròng với quy mô đột biến. Cụ thể, nhóm này xả ròng 966,9 tỷ đồng, trong đó họ bán ròng 841,7 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức nội bán ròng 15/18 ngành với giá trị lớn nhất đặt tại nhóm ngân hàng. Top bán ròng có DGC, ACB, PAN, TVB, HPG, VPB, VHM, VIC, NBB, STB.
Trong khi đó, dòng tiền của NĐT tổ chức trong nước chủ yếu tìm đến cổ phiếu ngành du lịch & giải trí. Danh mục 10 cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất gồm DXG, KBC, VNM, BCM, HBC, HCM, NLG, DBC, VJC, DIG.
Cá nhân trong nước chuyển mua ròng
Trong phiên VN-Index tạm rời mốc 1.470 điểm, giao dịch của NĐT cá nhân bất ngờ trở thành lực cầu nâng đỡ thị trường. Cụ thể, nhóm này chuyển hướng mua ròng 904,9 tỷ đồng sau hai phiên rút vốn liên tiếp, trong đó họ mua ròng khớp lệnh 800 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, họ mua ròng 10/18 ngành, chủ yếu gom cổ phiếu của các nhà băng. Top mua ròng của NĐT cá nhân tập trung tại các mã DGC, HPG, NLG, HDB, STB, VIC, ACB, CII, GEX, TVB.
Tại chiều mua, hoạt động giải ngân vào HPG vẫn khá sôi động dù mã này duy trì xu hướng điều chỉnh. Đây cũng là cổ phiếu tác động tiêu cực nhất lên VN-Index phiên vừa qua với mức ảnh hưởng giảm hơn 1,8 điểm. Đóng cửa phiên 16/11, cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát giảm 3% còn 52.000 đồng/cp.
Bên phía bán ròng khớp lệnh, cá nhân trong nước thoái ròng 8/18 ngành với áp lực bán tập trung tại nhóm bất động sản, bán lẻ. Top bán ròng có: KBC, DXG, MSN, VHM, KDH, DGW, BCM, GAS, DBC.
NĐT nước ngoài tiếp tục mua ròng, tập trung gom MSN, VHM, KBC
Về phía NĐT nước ngoài, họ mua ròng 248 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ gom ròng 79,5 tỷ đồng.
Lực mua ròng khớp lệnh chính của nước ngoài đặt tại nhóm bất động sản, thực phẩm & đồ uống. Top mua ròng khớp lệnh của khối ngoại gồm các mã: MSN, VHM, KBC, DXG, DGW, GAS, VHC, KDH, TDM, VCB.
Ở phía bên bán ròng khớp lệnh, NĐT ngoại bán nhiều nhất cổ phiếu tài nguyên cơ bản. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các cổ phiếu NLG, HDB, GEX, HPG, DPM, HCM, STB, CII, NKG.