Dòng tiền thông minh (14/11): Tự doanh gom 324 tỉ đồng phiên khối ngoại bán ròng mạnh nhất từ đầu năm 2019
Thị trường mất gần 6 điểm, dòng tiền thông minh chuyển hướng cổ phiếu tài chính
Thị trường ghi nhận phiên giảm điểm mạnh với động thái bán ròng mạnh từ khối ngoại trên HOSE. VN-Index nhanh chóng lùi về dưới mốc tham chiếu trong phiên sáng khi VHM, VNM, VCB liên tục gây áp lực.
Tới phiên chiều, lực kéo từ BID, BHN, TCH là không đủ để trì hoãn sự điều chỉnh của các mã bluechips bao gồm VCB, VNM, VHM. Kết phiên, VN-Index giảm 5,56 điểm (0,55%) xuống 1.012,77 điểm; HNX-Index tăng 0,22% lên 107,2 điểm; UPCoM-Index tăng 0,04% lên 56,82 điểm.
Bên cạnh những tín hiệu trái chiều về thỏa thuận thương mại được Tổng thống Trump đưa ra trong bài phát biểu hôm qua, áp lực chốt lời mạnh trong vùng giá nhiều biến động cũng cho thấy chỉ số cần thời gian tích lũy thêm.
Thanh khoản thị trường phiên hôm nay tăng đột biến so với các phiên trước, với giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 7.308 tỉ đồng. Dòng tiền hoạt động mạnh tại nhóm tài chính (2.081 tỉ đồng) và công nghiệp (1.310 tỉ đồng).
Khối tự doanh gom 324 tỉ đồng, thỏa thuận trăm tỉ mã GEX
Thống kê giao dịch trong phiên hôm qua, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán "mạnh tay" xuống tiền 324 tỉ đồng với khối lượng gần 9 triệu đơn vị.
Nguồn: Ánh Hường tổng hợp
Tại phía mua vào, duy nhất cổ phiếu GEX được khối tự doanh mua trên trăm tỉ, cụ thể 110,77 tỉ đồng. Trong phiên hôm qua, cổ phiếu này ghi nhận giao dịch thỏa thuận 9,8 triệu cp với giá trị hơn 204 tỉ đồng.
Bên cạnh đó khối tự doanh mua VNM (27,98 tỉ đồng), HPG (24,67 tỉ đồng), MBB (24,41 tỉ đồng) và MWG (23,47 tỉ đồng). Hai mã TCB và VIC theo sau với giá trị mua tương ứng 23,38 tỉ đồng và 21,86 tỉ đồng. Ngoài ra, khối tự doanh mua vào VJC, FPT và VPB trên 10 tỉ đồng.
Diễn biến trái chiều, chứng chỉ quĩ E1VFVN30 ghi nhận giá trị bán ra cao nhất trong phiên là 25,63 tỉ đồng.
Tại giao dịch cổ phiếu, khối tự doanh bán PLX và HT1 lần lượt 12,65 tỉ đồng và 12,25 tỉ đồng. Cùng với đó, bộ phận tự doanh thoái vốn tại các mã MWG, MBB, HPG, REE, FPT, DBD và TCB.
Khối ngoại bán ròng 703 tỉ đồng, ghi nhận phiên xả mạnh nhất từ đầu năm 2019 nhờ giao dịch thỏa thuận CTG
Về giao dịch khối ngoại trong phiên vừa qua, sàn HOSE ghi nhận giá trị bán ròng cao nhất từ đầu năm 2019 đến nay là 703 tỉ đồng với khối lượng 2,5 triệu đơn vị. Cổ phiếu CTG gây chú ý với giao dịch thỏa thuận "khủng" trị giá gần 622 tỉ đồng. Theo đó, khối ngoại bán ròng 611,96 tỉ đồng cổ phiếu này.
Cùng chiều, NĐT nước ngoài xả VNM (139,02 tỉ đồng), theo sau là VIC (71,33 tỉ đồng), VCB (26,01 tỉ đồng), MSN (18,84 tỉ đồng), ROS (18,36 tỉ đồng). Cổ phiếu NVL ghi nhận giá trị bán ròng (17,23 tỉ đồng), ngoài ra còn VJC (15,34 tỉ đồng), POW (11,22 tỉ đồng).
Ngược lại, khối ngoại tập trung gom VRE (83,25 tỉ đồng). NĐT nước ngoài còn tìm đến cổ phiếu BID (27,16 tỉ đồng), chứng chỉ quĩ E1VFVN30 (25,69 tỉ đồng), VHM (21,77 tỉ đồng). Mặt khác, cổ phiếu được khối mua ròng còn có HCM (19,24 tỉ đồng) và HPG (18,66 tỉ đồng).
Trên HNX, khối ngoại mua ròng 34,3 tỉ đồng với khối lượng hơn 3,5 triệu cổ phiếu. Dẫn đầu chiều mua ròng là NVB với giá trị 30,2 tỉ đồng, kế đến là SHB (1,4 tỉ đồng). Trong khi đó, khối này tạo áp lực bán ròng lên cổ phiếu PVS (1,2 tỉ đồng).
Tại UPCoM, NĐT nước ngoài mua ròng nhẹ 197 triệu đồng nhưng bán ròng khối lượng 722.551 đơn vị. Cổ phiếu VTP được khối ngoại gom (3,9 tỉ đồng). Hai mã VEA và QNS lần lượt ghi nhận giá trị mua ròng 2,9 tỉ đồng và 1,8 tỉ đồng. Trái lại, dòng vốn ngoại ngoài rút ròng 10,1 tỉ đồng khỏi mã BSR.
Mẹ Phó TGĐ Phát triển Đô thị Từ Liêm muốn thoái gần 2,2 triệu cp NTL
Thống kê thông tin giao dịch trên hai sàn, lãnh đạo và cá nhân (tổ chức) có liên quan đăng kí mua cổ phiếu TDG nhưng muốn bán ra NTL và DHC.
Nguồn: Ánh Hường tổng hợp
Đáng chú ý, bà Nguyễn Thị Mai, mẹ ông Đinh Đức Tiệp – Phó Tổng giám đốc CTCP Phát triển Đô thị Từ Liêm đăng kí bán ra gần 2,2 triệu cổ phần NTL trong thời gian từ 18/11 đến 17/12 theo phương thức thỏa thuận.
Hiện, bà Mai là cổ đông lớn của Phát triển Đô thị Từ Liêm với số lượng cp NTL sở hữu là 9, triệu, tương ứng tỉ lệ 15,08% vốn điều lệ công ty. Nếu giao dịch thành công, tỉ lệ nắm giữ của bà Mai sẽ giảm còn 11,49% vốn điều lệ.