Dòng tiền thông minh 13/8: Tự doanh trở lại bán ròng, cùng khối ngoại tăng áp lực lên thị trường
Nhóm bất động sản, ngân hàng tiếp tục thu hút dòng tiền thông minh
VN-Index duy trì trạng thái tăng điểm trong phần lớn thời gian giao dịch, và sau khi kiểm tra lại ngưỡng tham chiếu trong đầu phiên chiều, lực mua đã gia tăng trở lại giúp chỉ số này đóng cửa tăng gần 4 điểm.
Kết phiên, VN-Index tăng 3,84 điểm (0,46%) lên 846,92 điểm, HNX-Index giảm 0,17% xuống 116,1 điểm, UPCoM-Index tăng 0,46% lên 56,78 điểm.
Dòng tiền đầu tư đã cải thiện đáng kể so với phiên trước đó, khi số nhóm ngành tăng điểm áp đảo nhóm giảm điểm. Top5 ngành thu hút dòng tiền gồm bất động sản, ngân hàn,g, sản xuất thực phẩm, xây dựng và vật liệu, kim loại.
Trong khi đó, khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng trên cả hai sàn HOSE và HNX, dù giá trị không quá lớn. Thanh khoản thị trường chỉ tăng nhẹ so với phiên hôm trước, độ rộng thị trường ở trạng thái tương đối cân bằng giữa bên bán và bên mua cho thấy tâm lý giao dịch khá lưỡng lự.
Với việc các thông tin hỗ trợ chưa xuất hiện rõ ràng, nhiều khả năng VN-Index sẽ tiếp tục tích lũy tại vùng 840 - 850 điểm trong những phiên tới.
Khối tự doanh đảo chiều bán ròng phiên thị trường khởi sắc
Trong phiên hôm qua (12/8), bộ phận tự doanh CTCK bán ròng nhẹ 7,3 tỉ đồng với khối lượng 249.490 đơn vị.
Top10 mã mua vào, khối tự doanh chủ yếu rót vốn vào các mã HPG (17,96 tỉ đồng), FPT (10,84 tỉ đồng) và MWG (10,83 tỉ đồng).
Bên cạnh đó, khối này mua vào dưới 10 tỉ đồng cổ phiếu PVT (4,18 tỉ đồng), VHM (4,05 tỉ đồng), VCB (3,36 tỉ đồng) và STB (3,31 tỉ đồng). Ngoài ra, các mã thu hút dòng vốn từ khối tự doanh còn có DPM (3,1 tỉ đồng), POW và PLX.
Ngược lại, Top10 mã bán ra, cổ phiếu VPB dẫn đầu với giá trị 13,33 tỉ đồng. Theo sau đó, hai mã HPG và FPT lần lượt bị khối tự doanh bán ra 8,61 tỉ đồng và 7,47 tỉ đồng.
Cùng chiều, bộ phận tự doanh gây áp lực bán lên cổ phiếu MBB (6,83 tỉ đồng), VNM (5,18 tỉ đồng), HDG (4,86 tỉ đồng). Một số mã khác cùng ghi nhận giá trị bán ra lọt top10 như REE (4,71 tỉ đồng), MWG (4,63 tỉ đồng), VIC (3,5 tỉ đồng) và DHC (3,49 tỉ đồng).
NĐT ngoại tiếp tục xả gần trăm tỉ đồng toàn thị trường, tâm điểm mã VHM
Thống kê giao dịch khối ngoại, trên HOSE ghi nhận giá trị bán ròng gần 96,5 tỉ đồng với khối lượng hơn 9,7 triệu đơn vị. Trong đó, khối này tập trung xả cổ phiếu VHM ghi nhận giá trị cao nhất 73,11 tỉ đồng. Đây cùng là phiên thứ ba liên tiếp mã này chịu áp lực rút ròng lớn nhất bởi NĐT nước ngoài.
Bên cạnh đó, khối ngoại tập trung rút vốn khỏi các mã DXG (17,4 tỉ đồng), NVL (17,1 tỉ đồng), VRE (15,67 tỉ đồng) và PLP (8,5 tỉ đồng). Các mã khác ghi nhận bán ròng trong phiên như HPG (7,18 tỉ đồng), VIC (6,98 tỉ đồng) và HBC (6,88 tỉ đồng).
Mặt khác, dòng vốn ngoại còn rút khỏi cổ phiếu VCB và TDM với giá trị lần lượt là 5,88 tỉ đồng và 5,8 tỉ đồng.
Diễn biến trái chiều, NĐT nước ngoài rót vốn nhiều nhất vào mã VNM (79,45 tỉ đồng), theo sau là GAS (9,72 tỉ đồng), MSN (7,29 tỉ đồng), HDB (6,65 tỉ đồng).
Cùng chiều, khối ngoại gom thêm cổ phiếu PVT (6,6 tỉ đồng), POW (6,48 tỉ đồng), BMP (2,53 tỉ đồng). Các mã lọt top mua ròng trong phiên còn có NLG (2,35 tỉ đồng), VHC (1,94 tỉ đồng) và KBC (1,53 tỉ đồng).
Tương tự, sàn HNX ghi nhận giá trị bán ròng hơn 5 tỉ đồng với giá trị 537.760 đơn vị. Về giá trị cụ thể, khối ngoại tập trung gom CVN (176 triệu đồng), kế đến là SHE (156 triệu đồng). Ở chiều bán ròng, dòng vốn ngoại rút khỏi các mã như PVS (2,7 tỉ đồng), TKU (705 triệu đồng), BVS (401 triệu đồng)...
Tại thị trường UPCoM, NĐT nước ngoài đảo chiều mua ròng 2,3 tỉ đồng với khối lượng 206.562 cổ phiếu. Tại chiều mua ròng, khối ngoại tập trung gom MCH (2,7 tỉ đồng), OIL(1,6 tỉ đồng) và ACV (1,2 tỉ đồng).
Trong khí đó, dòng vốn ngoại rút khỏi các cổ phiếu như KDF (1,5 tỉ đồng), VEA (1,1 tỉ đồng). Mặt khác, NĐT nước ngoài còn bán ròng các mã VTP, ADG, WSB... với giá trị thấp hơn.
Cổ đông lớn của Tập đoàn Kido muốn tăng sở hữu cp KDC
Thông tin giao dịch đáng chú ý, Công ty TNHH Đầu tư Vinh Linh, thuộc sở hữu của bà Vương Bửu Linh, thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Kido (mã: KDC) đăng kí mua 137.360 cp KDC từ ngày 18/8 đến 16/9.
Hiện, Đầu tư Vinh Linh là cổ đông lớn của Kido với tỉ lệ sở hữu 5,33%. Nếu giao dịch thành công, tỉ lệ vốn điều lệ công ty này sở hữu tại Kido sẽ tăng lên 5,39%.
Được biết, bà Linh cũng là cổ đông của Kido, hiện nắm giữ 0,97% vốn cổ phần tại doanh nghiệp.