|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền thông minh 11/3: NĐT cá nhân chuyển hướng nhóm vốn hóa nhỏ, đẩy giá trị mua ròng nửa tháng qua vượt 11.200 tỷ đồng

08:10 | 11/03/2021
Chia sẻ
Phiên vừa qua đánh dấu chuỗi 14 phiên mua ròng của NĐT cá nhân, cũng là 14 phiên nhóm này ngược dòng khối ngoại. Tổng giá trị vốn nhóm NĐT cá nhân đổ vào thị trường nửa tháng qua đã vượt 11.200 tỷ đồng.

NĐT cá nhân tiếp tục mua ròng, đổ tiền vào nhóm vốn hóa nhỏ

Thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa phiên 10/3 trong sắc xanh nhưng lại giảm điểm sau đó, có thời điểm VN-Index mất hơn 7 điểm. Tuy nhiên, lực cầu gia tăng giúp chỉ số tăng điểm trở lại.

Kết phiên, VN-Index tăng 8,11 điểm (0,7%) lên 1.170,08 điểm, HNX-Index tăng 0,86% lên 267,1 điểm, UPCoM-Index tăng 0,88% lên 80,24 điểm. Thanh khoản phiên tăng mạnh với tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt hơn 945,6 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 21.353 tỷ đồng.

Thống kê giao dịch các bên, NĐT cá nhân mua ròng 367 tỷ đồng trong đó 735 tỷ đồng là mua ròng qua khớp lệnh. Trong 14 ngày mua ròng liên tiếp, nhóm này đã mua ròng 11.230 tỷ đồng qua khớp lệnh trên HOSE.

Ngoài việc mua ròng đối ứng với nhà đầu tư nước ngoài, dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước đang tìm đến cổ phiếu vốn hóa nhỏ. Số liệu của FiinTrade cho biết trong tháng 3, tỉ trọng giá trị giao dịch của VNSML thay đổi tăng 3,2% trong khi tỉ trọng của VN30 giảm mạnh 6,9% và VNMID đi ngang.

Theo dữ liệu FiinPro, 25/172 cổ phiếu trong rổ VNSML thu hút dòng tiền mạnh, chiếm 70% giá trị giao dịch của cả rổ, chủ yếu thuộc nhóm xây dựng và vật liệu, bất động sản, bán lẻ và tài nguyên cơ bản.

Đứng đầu nhóm hút ròng tiền là cổ phiếu IJC (chiếm 18% giá trị giao dịch của rổ). Giá trị giao dịch trung bình của IJC tăng 40% so với GTGD trung bình của cổ phiếu này trong 1 tháng và tăng 240% so với GTGD trung bình 3 tháng. Các cổ phiếu có mức giao dịch tăng vọt khác gồm NKG, LCG, PET, FCN.

Về phía NĐT tổ chức trong nước cũng chuyển sang vị thế mua ròng 108 tỷ đồng. Trong đó, nhóm này mua chủ yếu HCM trong khi bán ròng một số mã PLX, FPT và cổ phiếu ngân hàng.

Khối tự doanh đảo chiều bán ròng nhẹ phiên tăng điểm

Thống kê giao dịch của khối tự doanh công ty chứng khoán, hoạt động bán ròng của nhóm này áp đảo trở lại với giá trị 965 triệu đồng, khối lượng bán ròng tương ứng 585.450 đơn vị.

Dòng tiền thông minh 11/3: NĐT cá nhân chuyển hướng nhóm vốn hóa nhỏ, đẩy giá trị mua ròng nửa tháng qua vượt 11.200 tỷ đồng - Ảnh 1.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Top10 mã chịu áp lực bán ròng của khối tự doanh, FPT dẫn đầu với 22,5 tỷ đồng, theo sau là VND (14 tỷ đồng), DXG (12 tỷ đồng) và STB (11,9 tỷ đồng). Bên cạnh đó, hai mã VHM và SSI cũng lần lượt bị bán ròng 11,7 tỷ đồng và 10 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng vốn tự doanh còn rút khỏi cổ phiếu IJC, VIC, GAS, VCB dưới 10 tỷ đồng.

Top10 cổ phiếu thu hút dòng tiền, khối tự doanh chủ yếu mua ròng HPG (22,7 tỷ đồng). Mặt khác, ghi nhận giá trị mua ròng cao trong phiên còn có mã MWG (21,3 tỷ đồng), VRE (14,6 tỷ đồng), TCB (10,3 tỷ đồng) và VPB (10 tỷ đồng). Cùng chiều, khối tự doanh mua ròng ACB, THI, PNJ, GMD, KDH.

NĐT nước ngoài thu hẹp quy mô bán ròng, tiếp tục xả VNM

NĐT nước ngoài bán ròng liên tiếp phiên thứ 14 liên tiếp tuy nhiên quy mô bán ròng giảm 58% còn 480 tỷ đồng, trong đó họ bán ròng khớp lệnh 476 tỷ đồng.

Trong chuỗi bán ròng 14 phiên liên tiếp, nước ngoài đã bán ròng tổng cộng 8.802 tỷ đồng qua khớp lệnh trên HOSE.

VNM, CTG, HPG, POW tiếp tục là 4 mã trong top bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên ngoài VNM (186 tỷ đồng) thì các mã khác đã có mức bán ròng giảm mạnh.

Nằm trong top bán ròng hôm qua có cổ phiếu BID (47 tỷ đồng), đây là mã cổ phiếu nước ngoài vẫn liên tục bán ròng từ năm 2020 nhưng lượng bán ròng gần đây tăng mạnh (tổng 186 tỷ đồng trong 5 phiên, 206 tỷ đồng trong 10 phiên liên tiếp).

Phía mua ròng, họ mua cổ phiếu VHM, đây là động thái tích cực của nhà đầu tư nước ngoài so với mức bán ròng VHM 128 tỷ đồng trong 5 phiên gần đây. Các mã được NĐT nước ngoài mua ròng khác gồm PLX, MBB, DXG, PDR.

Thu Thảo