|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền gia tăng trên thị trường chứng khoán đến từ đâu?

20:30 | 09/08/2022
Chia sẻ
Thanh khoản trên thị trường chứng khoán trong những ngày qua đã gia tăng mạnh mẽ với mức trung bình từ 16.000 đến 17.000 tỷ đồng mỗi phiên. Câu hỏi đặt ra là dòng tiền gia tăng trên thị trường chứng khoán đến từ đâu và liệu rằng có bền vững hay không?

Trong bối cảnh GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng từ 2 – 3 con số, Việt Nam vẫn đang là điểm đến quan trọng của dòng vốn ngoại. Đặc biệt dòng vốn đầu tư gián tiếp FII cùng những định chế tài chính lớn của nước ngoài vẫn đang tích cực tìm đến thị trường Việt Nam.

Trước sức hấp dẫn của thị trường tài chính Việt Nam, các định chế tài chính lớn trên thế giới đang tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác và đầu tư vào Việt Nam.

Vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp các lãnh đạo của tập đoàn tài chính Hana – một trong ba tập đoàn tài chính hàng đầu Hàn Quốc. Tập đoàn này cũng đã khẳng định sẵn sàng chia sẻ về tầm nhìn chiến lược đầu tư kinh doanh của họ tại Việt Nam để từ đó thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Để tiếp nối giao dịch lịch sử năm 2019 khi BIDV cùng Hanabank chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược, năm nay tập toàn tài chính Hana tiếp tục thực hiện việc hợp tác chiến lược giữa Công ty Chứng khoán Hana và Công ty Chứng khoán BIDV (BSC).

Theo các chuyên gia, sự kiện trên là một minh chứng cho thấy các nhà đầu tư và các định chế nước ngoài vẫn đang tìm kiếm các cơ hội tại Việt Nam, dù thị trường toàn cầu đang có nhiều yếu tố bất định, đồng thời tạo ra làn sóng tích cực cho làn sóng đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam không chỉ từ Hàn Quốc mà còn nhiều quốc gia khác nữa trong thời gian tới.

Trong khi đó thanh khoản trên thị trường chứng khoán trong những ngày qua cũng đã gia tăng mạnh mẽ với mức trung bình từ 16.000 đến 17.000 tỷ đồng mỗi phiên. Câu hỏi đặt ra là bên cạnh dòng vốn ngoại, dòng tiền còn lại đến từ đâu và liệu rằng có bền vững hay không?

Bà Trần Thị Khánh Hiền Giám đốc Khối Phân tích Công ty CP Chứng Khoán VNDirect. (Ảnh chụp màn hình).

Tại Talk show Phố Tài chính, bà Trần Thị Khánh Hiền Giám đốc Khối Phân tích Công ty CP Chứng Khoán VNDirect cho biết dòng tiền đầu tiên đến từ các nhà đầu tư cá nhân, vì tính đến cuối quý II, dòng tiền các nhà đầu tư gửi tại top 10 công ty chứng khoán lớn nhất thị trường ở mức 50.000 tỷ đồng. Có nghĩa là các nhà đầu tư vẫn sẵn sàng một lượng tiền mặt rất lớn để tham gia thị trường ngay khi có cơ hội.

Thứ hai dòng tiền đến từ trợ lực của các nhà đầu tư nước ngoài, cho đến tháng 6 khối lượng mua ròng của các nhà đầu tư nước ngoài rơi vào khoảng hơn 10.000 tỷ đồng. Đây là một động lực khá tích cực hỗ trợ cho thanh khoản. Trong khoảng 4 – 5 tuần gần đây, tự doanh của các công ty chứng khoán cũng đánh giá tích cực trong việc quay trở lại mua ròng trên toàn thị trường.

Còn theo ông Ông Trương Thái Đạt Phó Giám đốc Khối Phân tích Công ty CP Chứng Khoán DSC, lượng tiền chờ đợi bên ngoài tài khoản của nhà đầu tư duy trì ở mức cao và trong vòng cuối tháng 7 có rất nhiều nút thắt về thời điểm của thị trường đã được giải tỏa.

Thứ nhất thời điểm về kỳ họp cuối tháng 7 của Fed, nhà đầu tư đánh giá rằng không có quá nhiều bất ngờ về lãi suất mục tiêu trong cuối năm đã giải tỏa một phần tâm lý thận trọng của nhóm này.

Thứ hai không chỉ thị trường Việt Nam hồi phục mà các chỉ số lớn của thị trường Mỹ như S&P 500 cũng đã hồi phục 15 – 20% kể từ khu vực đáy và cũng đã vượt qua được những khu vực kháng cự mạnh.

Thứ ba là kết quả kinh doanh của quý II vừa qua mức tăng trưởng về lơi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp trung bình đạt mức 24%. Do đó với sự giải tỏa ba yếu tố về mặt thời điểm đó đã giúp cho dòng tiền chờ đợi bên ngoài tham gia trở lại mạnh mẽ hơn.

Nói về tính bền vững của dòng tiền nước ngoài, bà Hiền đánh giá các thị trường tương tự như VIệt Nam trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Indonesia thu hút được nhiều dòng vốn FPI, kéo theo sau đó dòng vốn gián tiếp FII vẫn đổ vào thị trường một cách mạnh mẽ, ổn định, bất chấp những diễn biến bất lợi từ các yếu tố vĩ mô bên ngoài.

Riêng về dòng vốn của nhà đầu tư trong nước, chuyên gia cho rằng bản chất thị trường chứng khoán chiếm đa phần là giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân và dòng vốn này chịu ảnh hưởng khá nhiều bởi nhiều yếu tố.

Tuy nhiên nếu nhìn vào lạm phát có dấu hiệu giảm nhiệt ở toàn cầu, Fed giảm lãi suất cũng như ngân hàng nhà nước vẫn tiếp tục duy trì mục tiêu 14% tăng trưởng tín dụng trong năm nay, nghĩa là sẽ có một số ngân hàng được lựa chọn để nới room tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới.

Mặt khác, thị trường chờ đợi là Nghị định 153 về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp được thực thi kịp thời. Đây sẽ là hai yếu tố trợ lực cho thanh khoản có sự tăng trưởng ổn định trong những tháng cuối năm.

Thu Thảo