Dòng tiền đầu tư sẽ quay trở lại trong năm 2023?
Trong báo cáo chiến lược đầu tư công bố mới đây, nhóm phân tích Chứng khoán Agribank (Agriseco) đưa ra nhận định, dòng tiền sẽ tích cực từ nửa cuối năm 2023 khi các vấn đề về bất động sản, chứng khoán được giải quyết và kinh tế vĩ mô có dấu hiệu tích cực.
Theo đó, các tín hiệu tích cực từ việc nới room tín dụng, thay đổi chính sách, thành lập các tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản kỳ vọng giúp thị trường địa ốc ấm dần lên từ cuối 2023 – năm 2024.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nâng hạn mức tín dụng thêm 1,5% - 2% vào cuối năm 2022 (tương đương 240.000 tỷ đồng) tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên. Mặc dù vậy, đây có thể coi tín hiệu tích cực đầu tiên cho thị trường bất động sản. Các doanh nghiệp sẽ có nguồn tiền để trả nợ hoặc thực hiện dự án nhưng sẽ có sự chọn lọc, áp dụng với doanh nghiệp uy tín, dự án đang triển khai và tài sản đảm bảo chất lượng cao,
Trong khi đó, Dự thảo sửa đổi Nghị định 65 nếu được thông qua sẽ gỡ khó về mặt dòng tiền trả nợ cho các chủ đầu tư. Điều này có thể giúp dòng tiền các doanh nghiệp bất động sản bớt rủi ro và triển khai kinh doanh dự án trở lại. Bên cạnh đó các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng đã đẩy mạnh mua lại trước hạn trái phiếu để giảm thiểu rủi ro.
Đối với giải ngân vốn đầu tư công, trong năm 2023, Chính phủ nâng ngân sách cho lĩnh vực này lên 700.000 tỷ đồng (tăng 25% so với kế hoạch năm 2022). Chính phủ cũng nâng chi đầu tư phát triển từ vốn ngân sách nhà nước lên gần 730.000 tỷ đồng, chiếm 30% tổng chi ngân sách dự toán năm 2023 cũng cho thấy quyết tâm đẩy mạnh giải ngân đầu tư công của Chính phủ.
Giải ngân đầu tư công được kỳ vọng trở thành trụ cột mới cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới nhờ tính dẫn dắt và lan tỏa trên nhiều nhóm ngành. Nhóm phân tích cho rằng, việc tăng tốc giải ngân trong năm 2023 do đây là năm bản lề thực diện các dự án đầu tư cho giai đoạn 2021 – 2025. Đây cũng là năm phải giải ngân toàn bộ vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Mặt khác, các đầu kéo vĩ mô khác kỳ vọng kém khả quan (đầu tư và xuất khẩu chậm lại).
Liên quan đến các yếu tố khác, Agriseco nhận định, lạm phát trong nước năm 2023 tăng những vẫn trong tầm kiểm soát khi các yếu tố các yếu tố bên ngoài và bên trong đều đang tích cực hơn.
Cụ thể, Fed dự báo ngừng tăng lãi suất từ nửa cuối năm 2023 và Trung Quốc tái mở cửa có thể tác động trái chiều lên chỉ số lạm phát ở Việt Nam. Áp lực lạm phát từ bên ngoài khả năng giảm bớt từ nửa cuối 2023 khi giá cả hàng hóa hạ nhiệt, rủi ro tỷ giá bớt áp lực lên chi phí nhập khẩu nguyên nhiên liệu trong nước.
Trong nước, áp lực lạm phát từ phía cầu khi nhu cầu tiêu dùng hồi phục; tiền lương cơ sở tăng; nới room tín dụng; tăng giải ngân đầu tư công và chương trình phục hồi và phát triển KTXH. Đồng thời, áp lực từ giá cả một số mặt hàng trong nước nhưng có thể kiểm soát: Giá cả các hàng hóa (điện, y tế, giáo dục) khả năng tăng so với năm trước tuy nhiên Chính phủ có thể điều chỉnh tăng giá với mức độ và thời điểm thích hợp để kiểm soát lạm phát mục tiêu.
Ngược lại, giá cả các hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn trong rổ chỉ số dự báo hạ nhiệt (giá thịt lợn, gạo) sẽ giúp kiềm chế đà tăng lạm phát.
Tỷ giá cũng được dự báo sẽ bớt căng thẳng từ giữa năm 2023 khi Fed dừng tăng lãi suất; dự trữ ngoại hối tăng trở lại do lượng kiều hối cuối năm 2022 tăng, tiếp tục xuất siêu, nhóm dịch vụ kỳ vọng tăng nhờ Trung Quốc mở cửa.
Các tín hiệu tích cực về thị trường tiền tệ, ngoại hối cuối năm kỳ vọng sẽ tiếp tục trong năm 2023. Cụ thể, đồng USD xu hướng giảm, VND tiếp tục lên giá so với USD và các đồng tiền khác; NHNN niêm yết lại giá chào mua USD tại mức 23.450; dòng tiền từ kiều hối tăng; Trung Quốc mở cửa trở lại; giá xăng dầu ổn định.
"Lạm phát năm 2023 nằm trong tầm kiểm soát ở mức 4,5% và tỷ giá bớt căng thẳng sẽ giúp NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ", nhóm phân tích dự báo.
Với thị trường chứng khoán, Agriseco cho biết, số dư tiền gửi của nhà đầu tư để tại các công ty chứng khoán cuối quý III/2022 vào khoảng hơn 70.000 tỷ đồng, tăng nhẹ so với quý trước. Quý IV, số dư tiền mặt và số dư cho vay ký quỹ cũng tăng lên.
Thêm vào đó, khối ngoại mua ròng gần 30.000 tỷ đồng trong năm 2022 khi định giá Việt Nam về mức hấp dẫn so với khu vực.
"Dòng tiền cá nhân vẫn để ở các công ty chứng khoán tương đối lớn. Bên cạnh đó, thanh khoản cũng tăng lên, số người mua và người bán tăng lên cho thấy có thể có một lượng nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường. Đây là tín hiệu tích cực bởi nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi cơ hội để quay trở lại thị trường nếu bối cảnh vĩ mô có dấu hiệu tích cực hơn trong năm 2023", nhóm phân tích nhận định.