|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đồng Nai chuẩn bị làm đường ven sông 1.300 tỷ đồng

10:05 | 13/07/2021
Chia sẻ
Tuyến đường ven sông Đồng Nai có chiều dài 5,2 km với kinh phí hơn 1.300 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào tháng 9 năm nay.
Đồng Nai chuẩn bị làm đường ven sông 1.300 tỷ đồng - Ảnh 1.

Sông Đồng Nai đoạn chảy qua TP Biên Hòa. (Ảnh: CNMT).

UBND tỉnh Đồng Nai vừa có thông báo kết luận về việc triển khai các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn TP Biên Hòa.

Đối với dự án đường ven sông, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai yêu cầu UBND TP Biên Hòa hoàn thành lập hồ sơ đấu thầu, chọn nhà thầu trong tháng 7, khởi công trong tháng 9/2021.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây lắp 384 tỷ đồng; chi phí thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng 713 tỷ đồng và chi phí khác là 242 tỷ đồng.

Theo quy hoạch, tuyến đường ven sông Đồng Nai có chiều dài toàn tuyến khoảng 5,2 km. Điểm đầu tại mố A cầu Hóa An và điểm cuối giáp ranh huyện Vĩnh Cửu. Ngoài ra, tuyến kè dọc sông cũng được xây dựng song song với tuyến đường ven sông Đồng Nai.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến kè và đường ven sông Đồng Nai là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh được triển khai trên địa bàn TP Biên Hòa. Đây là dự án hướng tới mục tiêu kép vừa tăng cường khả năng kết nối giao thông đồng thời tạo lập thêm cảnh quan cho đô thị Biên Hòa.

Ông Trần Thanh Cảnh, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Biên Hòa cho biết, hiện nay, đơn vị đã trình UBND TP Biên Hòa phê duyệt phương án bồi thường cho 227 hộ dân trong khu vực dự án xây dựng đường ven sông Đồng Nai.

Sông Đồng Nai chảy qua các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM với chiều dài trên 437 km và lưu vực 38.600 km2, nếu tính từ đầu nguồn sông Đa Dâng thì dài 586 km, nếu tính từ điểm hợp lưu với sông Đa Nhim phía dưới thác Pongour thì dài 487 km. Sông Đồng Nai đổ vào biển Đông tại khu vực huyện Cần Giờ, TP HCM.

Sông Đồng Nai chảy qua TP Biên Hòa, rồi chảy dọc theo ranh giới giữa Đồng Nai (Long Thành, Nhơn Trạch) và TP HCM (Thủ Đức, quận 7, Nhà Bè, Cần Giờ), giữa Bà Rịa - Vũng Tàu (Phú Mỹ) và TP HCM (Cần Giờ).

Các phụ lưu chính của nó gồm sông Đa Nhim, sông Bé, sông La Ngà, sông Sài Gòn, sông Đa Hoai và sông Vàm Cỏ.

Huy Hoàng

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.