Động lực để bất động sản phục hồi rõ nét hơn từ năm 2024
Nền kinh tế Việt Nam đang trải qua quá trình phục hồi mạnh mẽ, là một trong những điểm sáng nổi bật trong bối cảnh toàn cầu đang chịu đựng sự suy yếu và biến động khó lường.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2023 đã ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, với tỷ lệ 5,33% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều chỉ tiêu kinh tế như kim ngạch xuất khẩu, giải ngân vốn đầu tư công, doanh số bán lẻ hàng hóa nội địa,... đều cho thấy những kết quả đáng khích lệ
Sự phục hồi của nền kinh tế cùng với các dự báo tích cực kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với bất động sản ở mọi phân khúc, bao gồm căn hộ, văn phòng cho thuê, nhà xưởng. Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn cung bị hạn chế do nhiều nguyên nhân, dự kiến mặt bằng giá bất động sản sẽ tiếp tục tăng trong thời gian sắp tới.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục giảm lãi suất điều hành trong 4 lần kể từ tháng 3/2023. Lãi suất vay ngân hàng đã giảm đáng kể, dao động từ 6,7% đến 10%, tiếp cận mức đầu năm 2022. Mặt bằng lãi suất giảm sẽ tạo động lực thúc đẩy phục hồi đầu tư, trong đó có đầu tư bất động sản.
Lãi suất cho vay mua nhà hiện đã giảm đáng kể từ đỉnh và vẫn đang tiếp tục xu hướng giảm. Lãi suất cho vay thả nổi trung bình tại các ngân hàng thương mại đang ở quanh mức 11%/năm (giảm từ mức 13 - 14%/năm vào cuối năm 2022).
Theo giới chuyên môn, tiến trình phục hồi của thị trường bất động sản có vai trò quan trọng tới mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế. Bởi ngành này là trụ cột quan trọng trong tổng thể nền kinh tế quốc gia, đóng góp một phần không nhỏ vào tỷ lệ tăng trưởng GDP của cả nước, liên quan tới hơn 40 ngành nghề liên quan khác.
Mặc dù, thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, từ đầu năm đến nay, Chính phủ và các cơ quan bộ ngành đã vào cuộc quyết liệt nhằm khôi phục lại thị trường. Gần 20 "động thái" đã được phát đi một cách liên tục và dồn dập, góp phần tạo niềm tin và sức mạnh cho thị trường.
Đặc biệt, cải thiện về môi trường pháp lý thể hiện rõ rệt khi chưa bao giờ cùng một thời điểm Quốc hội thông qua hàng loạt dự án Luật như Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), với có nhiều điểm mới, điểm khác biệt, được dự báo sẽ có tác động tích cực tới thị trường.
Số liệu thị trường bất động sản quý III/2023 từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) cho biết, những cơ chế, chính sách thúc đẩy cho thị trường đã bắt đầu có những dấu hiệu thẩm thấu. Lượng giao dịch trên toàn thị trường có xu hướng tăng dần theo thời gian.
Nhận định về tình hình thị trường, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cho rằng, thời gian tới, bất động sản sẽ tiếp tục được cải thiện khi các biện pháp điều hành kinh tế chung của Chính phủ thực sự phát huy tác dụng. Tuy nhiên sẽ rất khó đạt mức “đột biến”, nếu các động thái từ các cơ quan, bộ ngành và phía ngân hàng không có sự khác biệt.
"Thị trường bất động sản dự kiến sẽ mất ít nhất thêm một năm để hồi phục, dự kiến diễn ra trong khoảng thời gian nửa cuối năm 2024. Những phân khúc có mức giá phù hợp với khả năng chi trả của người mua sẽ là nhóm có khả năng phục hồi sớm nhất", chuyên gia nhận định.
Theo quan sát của vị này, tâm lý của nhà đầu tư dù đang dần tích cực hơn nhưng vẫn khá thận trọng, đặc biệt là những khách hàng đang đối diện với áp lực tài chính từ các khoản đầu tư thua lỗ trước đó, nên nhiều người chọn gửi tiền ngân hàng.
Do đó, để tháo gỡ tâm lý “chờ” của nhà đầu tư và khách hàng, qua đó kích thích dòng tiền đáo hạn từ ngân hàng chảy vào nhà đất, Chủ tịch VARS nhấn mạnh, điều quan trọng nhất lúc này là đẩy nhanh quá trình gỡ vướng về pháp lý và tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, khơi thông nguồn cung trên thị trường.
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cũng cho rằng, nhiều cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc được ban hành sẽ tiếp tục là động lực để thị trường phục hồi.
Cùng với đó, lãi suất đang giảm; nợ và trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn được đàm phán gia hạn, cơ cấu lại, mua lại. Doanh nghiệp xoay sở, tái cấu trúc, giảm giá bán… Đặc biệt, triển vọng kinh tế Việt Nam đang tốt lên, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước.
Về phía doanh nghiệp, các chủ đầu tư đã và đang nỗ lực tái cấu trúc sản phẩm, hoạt động, quản trị; tiết giảm chi phí, giảm nhân sự; bán dự án, thực hiện mua bán sáp nhập (M&A) dự án. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đang nỗ lực cơ cấu lại nguồn vốn, tích cực kiến nghị cơ chế, chính sách…